Những ngày sau Tết Nhâm Dần, số F0 tại nhiều địa phương liên tục tăng cao, bình quân hàng ngày trên toàn quốc là 20.000 - 30.000 ca.
Do trong những ngày Tết và sau Tết, việc tăng tiếp xúc cộng đồng, cùng với mở rộng việc cho các F0 tự cách ly và chăm sóc tại nhà và đặc biệt là yếu tố chủ quan, lơ là các yêu cầu về cách ly, vệ sinh khử khuẩn trong chăm sóc F0 tại nhà đã làm gia tăng sự lây nhiễm, nhất là lây nhiễm biến chủng Omicron.
Vì vậy ngoài việc yêu cầu mọi người tiếp tục duy trì 5K, tránh đi lại nhiều, tiếp xúc nhiều và nhất là tăng cường công tác giám sát quá trình tự theo dõi cách ly tại nhà, trong đó tránh yếu tố chủ quan, việc an toàn chăm sóc người bệnh F0 tại nhà, đảm bảo yêu cầu tự cách ly để giảm nguy cơ lây nhiễm cần chú ý:
Tuyệt đối tự giác tuân thủ 5K tại nhà: Tuyệt đối tuân thủ các yêu cầu với F0 tự cách ly tại nhà, đó là phải có phòng riêng, người nhà không được tiếp xúc gần với F0.
Người nhà khi cần tiếp xúc với F0 phải mang khẩu trang. F0 ở phòng cũng cần mang khẩu trang thường xuyên (trừ khi ăn uống, vệ sinh cá nhân); thay khẩu trang 2 lần/ngày hoặc khi cần; sát khuẩn tay bằng cồn trước khi bỏ khẩu trang; thường xuyên sát khuẩn tay; khử khuẩn các vật dụng và bề mặt tiếp xúc như mặt bàn, tay nắm cửa, bồn cầu, lavabo.
Người nhà của F0 cần tuân thủ nguyên tắc cách ly, không tiếp xúc người khác không đeo khẩu trang, không hoặc hạn chế việc ra ngoài, thực hiện tự xét nghiệm nhanh kháng nguyên định kỳ, và chỉ có thể ra ngoài khi test nhanh âm tính 2 lần cách nhau 48 giờ khi F0 cũng được test nhanh âm tính.
Ngoài ra, các rác thải sinh hoạt của gia đình có F0 cũng cần được thu gom, xử lý an toàn ngay tại chỗ (phun dung dịch Chloramin B 0,1% vào thùng rác) để tránh lây lan cho môi trường.
Chú ý chế độ ăn uống và nghỉ ngơi hợp lý: Người nhà và bản thân F0 cần tăng cường chế độ ăn uống hợp lý hàng ngày như ăn đủ 3 bữa, ăn đầy đủ chất, không bỏ bữa, ăn thêm nhiều loại trái cây, uống nước đủ và thường xuyên, không đợi đến lúc khát mới uống nước.
Đặc biệt, cần chú ý để F0 nghỉ ngơi thoải mái, tránh ồn ào (nhạc, phim, các loại hình tập trung nhiều người trong nhà…). Bản thân F0 nên suy nghĩ tích cực, duy trì tâm lý thoải mái, thường xuyên vận động thể lực nhẹ (phù hợp với tình trạng sức khỏe) hàng ngày.
Tự giác và thường xuyên theo dõi sức khỏe: F0 có thể tự làm hoặc người nhà giúp F0 đo thân nhiệt, SpO2 (nếu có) tối thiểu 2 lần/mỗi ngày hoặc khi cảm thấy có dấu hiệu sốt, khó thở.
Khai báo y tế mỗi ngày ít nhất 1 lần hoặc khi có triệu chứng bất thường qua “Khai báo y tế” bằng cách ứng dụng phần mềm PC-covid hoặc các phần mềm chống dịch bệnh khác của địa phương hoặc qua phiếu tự theo dõi sức khỏe (nhịp thở, thân nhiệt, SpO2).
Chủ động liên hệ và tư vấn chăm sóc y tế: F0 và người nhà phải nắm được số điện thoại của nhân viên y tế của Trạm Y tế, Tổ Chăm sóc người nhiễm COVID-19 cộng đồng, Tổ Y tế lưu động tại các xã, phường, thị trấn để chủ động báo cáo tình trạng sức khoẻ, kết quả tự xét nghiệm hoặc báo cáo ngay khi xuất hiện các vấn đề cần tư vấn, hỗ trợ.
Nắm chắc các dấu hiệu chuyển nặng của F0 cách ly tại nhà cần cấp cứu, chuyển viện: khi F0 có dấu hiệu sốt cao, sốt kéo dài thì F0 hoặc người nhà phải báo cáo ngay để được hỗ trợ cấp cứu và chuyển viện kịp thời.
Đối với trẻ em, nếu từ 12 tuổi trở lên thì theo dõi như người lớn, nhưng đối với trẻ nhỏ dưới 12 tuổi, đặc biệt trẻ em dưới 5 tuổi thì theo dõi sốt, thở nhanh hơn 30 lần/phút, mệt mỏi, li bì, bỏ bú, quấy khóc nhiều đều là dấu hiệu chuyển nặng, cần liên hệ để chuyển viện ngay.