Đó là thoả thuận giữa Bộ Y tế và các hiệp hội doanh nghiệp thực phẩm trên cả nước vừa diễn ra chiều 19.9 tại cuộc họp xin ý kiến các bộ, ngành liên quan, các hiệp hội, doanh nghiệp về các nội dung liên quan đến dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 38/2012/NĐ-CP về quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật an toàn thực phẩm.
Theo đó, hai nhóm sản phẩm được phân chia là nhóm rủi ro ít và nhóm có nguy cơ cao cho cộng đồng.
Với nhóm ít rủi ro là các sản phẩm chế biến đóng gói không ảnh hưởng tới sức khoẻ con người thì doanh nghiệp được phép tự công bố trong thời gian 7 ngày, nếu cơ quan quản lý không có ý kiến gì về chất lượng thì doanh nghiệp sẽ sản xuất và kinh doanh.
Nghĩa là đối với thực phẩm thường đã qua chế biến, bao gói sẵn; dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm, doanh nghiệp sẽ tự công bố, bao gồm cả công bố hợp quy và công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm và nộp bản tự công bố đến cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền (Sở Y tế).
Với nhóm có nguy cơ cao như thực phẩm chức năng, phụ gia thực phẩm và sữa công thức trẻ em thì nhất thiết phải được quản lý chặt chẽ và công bố chất lượng trước khi lưu thông. Đối với thực phẩm chức năng, phụ gia thực phẩm/chất hỗ trợ chế biến thực phẩm và các sản phẩm thực phẩm có công bố tác dụng đến sức khỏe, cơ quan tiếp nhận hồ sơ là Bộ Y tế.
Thời gian thẩm xét hồ sơ của các thực phẩm này là 30 ngày. Trong trường hợp yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ thì sau 10 ngày làm việc kể từ khi tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ sửa đổi, bổ sung, cơ quan quản lý nhà nước thẩm định hồ sơ và trả lời bằng văn bản.
Nhưng các nhà phân phối lại lo ngại là khi sản phẩm không có xác nhận chất lượng từ cơ quan chức năng sẽ khó tiêu thụ. Nhiều sản phẩm có thời hạn ngắn mà chờ cơ quan chức năng xác nhận sẽ ảnh hưởng đến chất lượng.
Nhiều doanh nghiệp tiếp tục đề nghị nên rút ngắn thời gian cấp phép và phản hồi nhanh để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Về cơ bản, việc điều chỉnh sửa đổi Nghị định 38 về quản lý an toàn thực phẩm hướng tới việc rút ngắn thời gian và giảm triệt để thủ tục hành chính cho doanh nghiệp.