TS Lâm Quốc Hùng – Trưởng phòng Giám sát ngộ độc, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) - cho biết, do điều kiện môi trường, khí hậu nóng, nhiều khói bụi, giấy bao gói chưa đảm bảo yêu cầu vệ sinh, lưu thông phân phối đi nhiều vùng xa xôi.....nên bánh Trung thu dễ bị ô nhiễm, biến tính, dễ hư hỏng ở bên trong mà chưa thể hiện ra ngoài vỏ bánh.
Trên thị trường đã xuất hiện bánh Trung thu của nước ngoài, cần cảnh giác với các yếu tố độc hại có thể có như chất bảo quản, phẩm màu độc hại, sự hư hỏng biến chất bên trong.
Để chuẩn bị làm ra chiếc bánh cần rất nhiều loại nguyên liệu thực phẩm từ các loại bột, thịt tươi sống và các sản phẩm từ thịt, các loại gia vị, phụ gia thực phẩm (chất tạo mầu, chất bảo quản, chất chống mốc), các loại bao gói bánh. Đặc biệt được chế biến bằng các công nghệ khác nhau từ thủ công đến dây chuyền công nghiệp ở nhà máy hay ngay tại hộ gia đình.
Cũng theo TS Hùng, mỗi loại nguyên liệu đều có nguy cơ ô nhiễm vi sinh vật gây bệnh (nấm mốc, nấm men, tụ cầu, tả, lỵ, thương hàn, ký sinh trùng..); Ô nhiễm hóa chất độc hạI; Điều kiện vệ sinh nơi chế biến, dụng cụ chế biến, dụng cụ bảo quản bánh, bàn tay của người chế biến, người ăn đều có nguy cơ chứa đựng các “tác nhân” gây ô nhiễm bánh. Do đó, bánh trung thu không bảo quản dài được (hạn sử dụng chỉ 1 tháng).
Hậu quả cuối cùng của việc không bảo đảm an toàn thực phẩm của một công đoạn hay nhiều công đoạn làm bánh là làm cho bánh bị ô nhiễm có nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm cấp tính, mạn tính, bệnh truyền qua thực phẩm và làm ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng cho người ăn.
Để bảo đảm an toàn thực phẩm đối với thị trường bánh trung thu, người tiêu dùng là một nhân tố quan trọng có tính quyết định. Việc lựa chọn sản phẩm, lựa chọn cơ sở kinh doanh bánh và sử dụng bánh, người tiêu dùng góp phần kiểm soát an toàn thực phẩm đối với hoạt động kinh doanh bánh trung thu trên thị trường thông qua quyền "giám sát" và quyền "tẩy chay" sản phẩm.