LD1706: Cậu học trò nghèo 2 giờ sáng chở rau đi bán giúp mẹ suốt 5 năm

Kiều Thu |

Hai giờ sáng lóc cóc đạp xe 5km, đèo rau ra chợ đầu mối cho mẹ. Ba giờ sáng về nhà lại tiếp tục học bài. Sáu giờ sáng vội vã đến trường học chính khóa. Đó từng là thời gian biểu hàng ngày của em Cát Sơn Hà (SN 1998, thôn Đoài Giáp, xã Đường Lâm, TX. Sơn Tây, Hà Nội). Suốt năm năm trời ròng rã em vẫn cần dậy sớm mẫn giúp mẹ đưa rau, vụ mùa thì giúp mẹ gặt lúa, làm đồng. Bữa cơm chỉ có cơm trắng với rau, nhưng Hà không một lời kêu than. Em cố gắng vượt lên hoàn cảnh để giành được một tấm vé vào trường Đại học Bách Khoa. Chặng đường học tập của em đang rất cần sự sẻ chia.

Quanh năm đầu tắt mặt tối nhưng chẳng đủ ăn

Kể về hoàn cảnh gia đình mình, cô Vũ Thị Thái - mẹ Hà không cầm được nước mắt. Lấy nhau muộn nên dù năm nay cô đã gần 50 tuổi, chồng gần bước sang tuổi 70 nhưng Hà mới chỉ năm nhất đại học còn em gái thì mới vào lớp 4. Chú Cát Văn Hoàng – bố của Hà đã già, lưng còng rạp xuống, một mắt không còn thấy gì, mắt còn lại vừa phải đi thay thủy tinh thể nhưng cũng chỉ nhìn được 3/10.

Trước đây, do bị sinh thiếu tháng nên chú Thái yếu lắm, gần như không còn khả năng lao động. Vậy là mọi việc lớn nhỏ trong gia đình đều dồn hết lên vai cô. Nhà có 4 người ở trong gian nhà cấp bốn lụp xụp và sống dựa vào thu nhập từ nghề làm với vài mớ rau.

“Ngày nào cô cũng đi bán rau. Ngày đắt hàng thì bán được 40 – 50.000 đồng, còn những ngày ế ẩm hay rau rẻ thì phải đi cắt rau lợn để đổi bánh mì”, cô Thái kể. Vậy mà sáng nào cô cũng phải dậy từ 2 giờ sáng, cầm đèn đi hái rau rồi chở ra chợ đầu mối bán. Chiều lại đi rửa rau cần, làm đồng hoặc cắt cỏ bò đến tối sẩm mới về. Làm quần quật cả ngày nhưng chẳng đủ tiêu. Bữa cơm của gia đình hàng ngày cũng chỉ có cơm trắng, chút rau trồng sẵn. Thỉnh thoảng khi gà của nhà đẻ trứng, cả nhà mới có thêm chút thức ăn. Nhưng Hà và em mình chẳng bao giờ đòi hỏi nhiều.

Ngôi nhà đã cũ kĩ, xuống cấp ở quê của gia đình em Hà

 

Dậy từ hai giờ sáng giúp mẹ đưa rau

Tìm đến phòng trọ của Hà nằm sâu trong một ngách nhỏ gần trường Đại học Bách Khoa để lắng nghe những tâm sự, em vẫn cố giữ vẻ lạc quan và trò chuyện rất cởi mở. Để có được kết quả như ngày hôm nay, em đã phải vượt qua không ít những khó khăn và tự động viên bản thân rất nhiều, “ở lâu trong cái khổ, em quen khổ rồi”, Hà nói.

Đều đặn mỗi ngày, Hà dậy từ lúc hai giờ sáng để giúp mẹ chở rau ra chợ đầu mối cách nhà 5km. Lóc cóc trên chiếc xe đạp đã cũ lúc trời còn chưa nhìn thấy mặt người, mẹ em chở 15 đon rau đạp trước, con mang theo 8 đon rau đi theo sau. Khi đấy, em mới 15 tuổi mà mỗi đon rau to bằng nửa người em. “Có những ngày trời đông rét mướt, em phải mặc áo mưa đi đưa rau. Trời lạnh như cắt da cắt thịt. Lúc về tới nhà thì chân tay em tấy đỏ lên, cứng đờ, phải ngồi hơ lửa một lúc rất lâu tay mới lại có cảm giác để tiếp tục đi học” – Hà nhớ lại.

Không chỉ lặn lội ra đường lúc đêm hôm như thế, Hà và mẹ còn phải đối mặt với bao nhiêu mối nguy hiểm rình rập. “Có lần đi chở hàng cho khách vào lúc tờ mờ sáng, em đi đường tắt để tiết kiệm thời gian nhưng lại gặp ngay một người đi xe máy chặn ngang đầu xe mình lại. Người đàn ông tiến lại gần làm em sợ quá, mặt tím ngắt và chân tay run lẩy bẩy. Nhưng khi ông ấy cất tiếng hỏi: “Em ơi đồn công an ở đâu vậy?” em mới thở phào nhẹ nhõm” – Hà hài hước kể lại.

Những ngày chở rau giúp mẹ vất vả nhất là những ngày em học lớp 12. Kể cả đến thời gian chuẩn bị thi đại học, em vẫn phải dậy sớm như thế để đi đưa hàng. Hà kể mình phải thay đổi cách học nhiều lần để cân đối được việc học và việc phụ giúp gia đình và thường chỉ được ngủ 4 tiếng. Cũng có những đêm em thức trọn đêm. Em thường xuyên phải uống nước chè tươi để có thể tỉnh táo để làm bài.

Còn đến vụ mùa, ngoài việc đưa rau em còn phải giúp gia đình thu hoạch lúa. Từ gặt, gánh, chở lúa về rồi đem phơi… mọi việc em phải thay cha làm đỡ mẹ.

“Em sẽ vẫn học, nhưng việc phụ giúp gia đình em không bỏ được”

Giống như nhiều bạn học sinh khác đang tuổi ăn tuổi lớn, có một quãng thời gian Hà cũng “nghiện game”. Nhưng từ khi bố phải nhập viện để thay thủy tinh thể, để chạy chữa cho bố em, mẹ em vốn đã khổ nay lại còn khổ hơn. Thương bố mẹ, Hà quyết định “cai” điện tử và tập trung vào học hành. Dù thời gian học của em bị hạn chế bởi việc nhà quá nhiều, nhưng suốt 11 năm học, năm nào em cũng cố gắng đạt học sinh khá. Em bảo danh hiệu với em không quan trọng, em cố gắng làm hết sức mình thôi. Đến năm lớp 12, thời điểm nước rút cận kề nên em càng quyết tâm hơn. Và kết quả em đã đạt danh hiệu học sinh giỏi và được giành giải Ba kỳ thi học sinh giỏi cấp thành phố môn Toán.

Có những lúc mệt mỏi quá, Hà cũng đã từng nảy sinh suy nghĩ tiêu cực. “Nhiều lần em cũng định sẽ bỏ học, nhưng rồi em cứ tự động viên mình là trên đời này còn nhiều người khổ hơn mình mà người ta vẫn cố gắng học được thì sao mình lại không nên lại tiếp tục cố” – Hà tâm sự. Những lúc như thế em thường ngân nga vài câu hát để quên đi muộn phiền, rồi lại bắt đầu lao vào guồng quay của một ngày mới. Em khẳng định: “Việc học em sẽ vẫn học, nhưng việc giúp đỡ gia đình em không bỏ được”. Chính việc bố không thể giúp mẹ làm mọi việc đã khiến em có thêm động lực để vượt qua mọi gian khổ.

Em luôn cố gắng bố trí thời gian học và làm thêm phù hợp

 

Biết tin Hà đỗ đại học, lại đỗ Bách Khoa với số điểm cao: 24,5 điểm, gia đình mừng lắm. Cầm tấm giấy báo trên tay mà cô chú xúc động vô cùng. Nhưng bên cạnh niềm vui, vợ chồng cô chú cũng không giấu nổi sự lo lắng khi hoàn cảnh gia đình còn quá khó khăn, sợ không thể lo cho con học hành được đến nơi đến chốn. Đến ngày Hà đi nhập trường, gia đình cũng chẳng có gì cho con. “Mẹ chỉ đong cho 5kg gạo với vài bộ quần áo, cho thêm mấy cái xoong cũ ở nhà mang đi. Hàng xóm và các cô chú cho thêm vài đồng tiền đóng học” – cô Thái nói mà nước mắt cứ tuôn ra.

Bây giờ đi học xa, Hà không còn đỡ đần mẹ trong công việc được nữa. Vì thế, em cố gắng dành thời gian đi làm thêm tại quán cà phê. Hà tâm sự: “Em chỉ dám xin mẹ tiền học phí và 500.000 đồng/tháng thôi. Nhưng để có tiền đóng học cho em,em biết mẹ em sẽ phải vất vả hơn rất nhiều”.

Mọi giúp đỡ em Hà (LD1706) xin gửi về địa chỉ: Quỹ Xã hội từ thiện Tấm Lòng Vàng, 51 Hàng Bồ, Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội. Điện thoại: 04.39232748. Hoặc chuyển khoản về Quỹ Xã hội từ thiện Tấm Lòng Vàng, STK: 113000000758 tại Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam, chi nhánh Hoàn Kiếm, Hà Nội; ủng hộ miễn phí qua tài khoản trực tuyến tại VietinBank, STK: 129000015204; ủng hộ miễn phí tại Vietcombank, STK: 0021000303088 tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương VN, chi nhánh Hà Nội. Hoặc liên hệ trực tiếp em Hà: 01664965050

Kiều Thu
TIN LIÊN QUAN

LD1705: Ngặt nghèo với căn bệnh 1 năm mổ 6 lần không khỏi

Nguyễn Hà |

Từ một chàng trai cao to, khoẻ mạnh cao 1m8, em Lê Anh Tú (SN 1999, ở Quảng Hội, Quang Tiến, Sóc Sơn, Hà Nội) bỗng chốc trở nên gầy gò, ốm yếu, đôi chân ngày càng teo nhỏ bởi căn bệnh u xương cột sống.

LD1704: “Nếu mẹ đi chữa bệnh thì ai kiếm tiền nuôi con?”

KHƯƠNG QUỲNH |

Chồng bỏ đi đã 4 năm nay, một mình bươn trải làm công nhân thuê nhà trọ và nuôi con nhỏ bị bệnh, hoàn cảnh chị Nguyễn Thị Thanh Hường càng thêm ngặt nghèo khi chị phát hiện bệnh ung thư vú di căn. Chị không dám đi chữa bệnh vì “nếu mẹ đi chữa bệnh thì ai kiếm tiền nuôi con?”.

Cập nhật kiến thức mới cho cán bộ Công đoàn chủ chốt

Bảo Hân |

Sáng 1.10, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khai giảng lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng dành cho Công đoàn cấp tỉnh, ngành Trung ương.

Sẽ chi 865 tỉ đồng xây cầu Phong Châu mới

Xuyên Đông |

Theo thông tin từ Văn phòng Chính phủ, cầu Phong Châu (tỉnh Phú Thọ) sẽ được đầu tư xây mới với kinh phí dự kiến là 865 tỉ đồng.

Vụ cô giáo xin hỗ trợ laptop, học sinh đã đi học trở lại

Chân Phúc |

TPHCM - Số học sinh vắng học ngày 30.9, liên quan đến vụ cô giáo xin hỗ trợ laptop tại Trường Tiểu học Chương Dương đã đi học đầy đủ vào hôm nay 1.10.

Dự báo mới nhất đường đi và cường độ siêu bão số 5 Krathon

AN AN |

Cơ quan khí tượng cho biết siêu bão số 5 Krathon ở trên vùng biển đông bắc của khu vực Bắc Biển Đông sẽ di chuyển chậm theo hướng tây tây bắc trong 24 giờ tới.

Lý do người dân không đồng tình vụ bồi thường bò sữa bị chết

HOÀI THANH |

Lâm Đồng - Nhiều hộ gia đình có bò sữa bị chết sau khi tiêm vaccine phòng bệnh cho rằng, mức giá bồi thường công ty đưa ra rất thấp, khó tái đầu tư lại.

TPHCM nâng đường nối 3 quận lên cao độ 2,1m để chống ngập

NHƯ QUỲNH |

Ngoài việc xây dựng bờ kè, TPHCM sẽ nâng mặt đường Trần Xuân Soạn theo cao độ quy hoạch 2,1m để ứng phó tình trạng ngập úng suốt nhiều năm qua.