UNICEF đã làm việc với tổ chức phi chính phủ Internal Displacement Monitoring Centre để thu thập dữ liệu về những tác động của thảm hoạ thiên nhiên với trẻ em.
Báo cáo cho biết, từ năm 2016 đến năm 2021, lũ lụt, bão, hạn hán và cháy rừng - với tần suất thảm họa khí hậu ngày càng tăng do hiện tượng nóng lên toàn cầu - đã dẫn đến 43,1 triệu trẻ em phải di dời ở 44 quốc gia. 95% số trẻ em phải di dời là do lũ lụt và bão.
Đồng tác giả báo cáo Laura Healy chia sẻ với AFP: "Con số này tương đương với khoảng 20.000 trẻ em phải di dời mỗi ngày”. Bà nhấn mạnh, những trẻ em này có nguy cơ chịu thêm những tổn thương khác, như bị tách khỏi cha mẹ hoặc trở thành nạn nhân của những kẻ buôn bán trẻ em. "Đây chỉ là phần nổi của tảng băng chìm dựa trên dữ liệu có sẵn mà chúng tôi có" - bà nói.
Báo cáo của UNICEF cũng cảnh báo, lũ lụt do nước sông dâng cao có thể khiến 96 triệu trẻ em phải di dời trong 30 năm tới, trong khi gió lốc có thể buộc 10,3 triệu trẻ em phải di dời. Nước dâng do bão có thể khiến 7,2 triệu người phải di dời.
Giám đốc điều hành UNICEF Catherine Russell lưu ý: "Chúng ta có các công cụ và kiến thức để ứng phó với thách thức ngày càng tăng với trẻ em, nhưng chúng ta đang hành động quá chậm".
UNICEF kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới giải quyết vấn đề này tại hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP28 ở Dubai vào tháng 11 và tháng 12.
Bà Healy cho hay, trẻ em, kể cả những trẻ đã buộc phải di chuyển, phải được chuẩn bị để “sống trong một thế giới biến đổi khí hậu”.
Trung Quốc, Ấn Độ và Philippines là những quốc gia có số lượng người phải di dời lớn nhất (gần 23 triệu người trong 6 năm). Tuy nhiên, xét theo tỉ lệ, châu Phi và các quốc đảo nhỏ có nguy cơ cao nhất: Ở Dominica, 76% trẻ em phải di dời từ năm 2016 đến năm 2021, tại Saint Martin, con số đó là hơn 30%.