Đài truyền hình nhà nước Iran đưa tin: “Ba vệ tinh của Iran đã được phóng thành công vào quỹ đạo lần đầu tiên”. Các vệ tinh được phóng bằng tên lửa hai giai đoạn Simorgh (Phoenix) vào quỹ đạo tối thiểu 450km.
Hãng thông tấn chính thức IRNA cho biết, vệ tinh Mahda nặng khoảng 32kg và được Cơ quan Vũ trụ Iran phát triển, được thiết kế để thử nghiệm các hệ thống vệ tinh phụ tiên tiến.
Hai vệ tinh còn lại, Kayhan 2 và Hatef, mỗi chiếc nặng dưới 10kg, được thiết kế nhằm mục đích thử nghiệm công nghệ định vị trên không gian và liên lạc băng thông hẹp - IRNA cho biết thêm.
Tuần trước, Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran đã phóng vệ tinh nghiên cứu Soraya vào không gian.
Các chính phủ phương Tây bao gồm cả Mỹ nhiều lần cảnh báo Iran về những vụ phóng như vậy, nói rằng công nghệ tương tự có thể được sử dụng cho tên lửa đạn đạo, bao gồm cả những tên lửa được thiết kế để mang đầu đạn hạt nhân.
Iran phản bác rằng nước này không tìm kiếm phát triển vũ khí hạt nhân và các vụ phóng vệ tinh cũng như tên lửa chỉ nhằm mục đích dân sự hoặc phòng thủ.
Cộng hòa Hồi giáo Iran từng thất bại trong một số vụ phóng vệ tinh trước đây.
Việc phóng thành công vệ tinh quân sự đầu tiên của Iran lên quỹ đạo, Nour-1, vào tháng 4.2020 đã vấp phải sự chỉ trích gay gắt từ Mỹ.
Tehran chịu các lệnh trừng phạt của Mỹ kể từ khi Washington rút khỏi thỏa thuận hạt nhân mang tính bước ngoặt vào năm 2018, vốn cho phép Iran được giảm nhẹ các lệnh trừng phạt để đổi lấy việc hạn chế các hoạt động hạt nhân nhằm ngăn chặn nước này phát triển đầu đạn nguyên tử.
Iran luôn phủ nhận mọi tham vọng phát triển năng lực vũ khí hạt nhân, khẳng định rằng các hoạt động của nước này hoàn toàn vì mục đích hòa bình.