Khi nhân viên pháp y đối mặt với thảm sát

Hương Giang (Tổng hợp) |

Các nhân viên pháp y chuyên tham gia điều tra án mạng là những người không lạ gì với cái chết. Tuy nhiên khi phải xử lý một vụ thảm sát tồi tệ, với con số người tử vong nhiều quá sức tưởng tượng, họ đã nhận lấy những thương tích vô hình cho tâm hồn mình.

Vụ bắn giết gây chấn động

Tiffany Brown đang trong ngày thứ hai của kỳ nghỉ ngắn hiếm hoi khi điện thoại đổ chuông vào 10 giờ đêm 1.10.2017. Một người bạn từ Phòng pháp y quận Clark ở Las Vegas (Mỹ), nơi cô đã làm việc suốt cả thập kỷ qua, gọi tới và nói gấp qua điện thoại. Có một vụ xả súng bắn giết làm nhiều người thiệt mạng ở Las Vegas và người bạn nói Tiffany nên tới bệnh viện gần nhất, nơi một số nạn nhân đang được chuyển tới, để giúp đỡ họ.

Tiffany, một bà mẹ đơn thân với 2 đứa con trai 11 và 14 tuổi, không còn cách nào khác ngoài việc để con ngủ lại nhà rồi lái xe lao đi. Khi dừng xe tại Bệnh viện Đại học Y Las Vegas, Tiffany thấy nhiều người bị thương đang đổ tới trên xe cấp cứu, xe Uber, xe bán tải. Thân thể họ rách nát vì bị đạn xuyên. Sàn bệnh viện nhớp nháp vì máu.

Nhưng trước khi Tiffany có thể làm gì, cô lại nhận được cuộc điện thoại từ một đồng nghiệp khác. Người này đề nghị cô tới ngay hiện trường vụ xả súng. Đã có 58 người bị giết và 422 người bị thương khi một gã đàn ông từ phòng riêng nằm tại tầng 32 của công trình Mandalay Bay Resort nổ súng bắn vào đám đông đang tham dự một lễ hội âm nhạc ở phía dưới. Đó là vụ xả súng chết chóc nhất lịch sử nước Mỹ.

Khi Tiffany tới nơi, những người dự lễ hội đã bỏ đi: Những hóa đơn bị vò lại nằm trên quầy bar hoặc dưới đáy các chai bia vẫn còn đọng nước; thịt vẫn đang tỏa hương thơm nức trên lò quay; điện thoại di động nằm la liệt khắp nơi, nhiều chiếc đang sáng lên khi thân nhân cố gắng bắt liên lạc; hàng trăm chiếc cốc nhựa đỏ bay tứ tung khi gió thổi tới. Và ở giữa những thứ đó là các thi thể. Có tổng cộng 24 thi thể nằm trong hàng rào ngăn cách địa điểm tổ chức lễ hội với bên ngoài. 7 thi thể khác nằm ở ngoài rào, nơi người ta đã kéo họ ra, hoặc tự họ bò tới đó thì chết.

Tiffany và một nhóm nhỏ các điều tra viên án mạng bắt đầu công việc từ khu vực bên ngoài trước. Về mặt kỹ thuật, công việc của cô là phải lăn và xoay các thi thể khi khám nghiệm. Tuy nhiên hôm đó, cộng sự đã nhiệt tình hơn bình thường khi xắn tay vào giúp đỡ cô và kết quả là giày họ nhanh chóng thấm đẫm máu. Với mỗi thi thể, Tiffany luôn làm một công việc theo đúng quy trình: Tìm kiếm giấy tờ nhận dạng, ghi lại các vết thương, chụp ảnh rồi di chuyển sang người tiếp theo.

Sau đó, Tiffany còn phải làm công việc khó khăn cuối cùng là khám nghiệm cái xác của tay súng. Cô vẫn nhớ đã đi thang máy lên căn phòng khách sạn ở Las Vegas và bước qua căn phòng phục vụ, nơi sát thủ đã lắp đặt một chiếc máy ghi hình được giấu kín. Trong căn phòng đó có cả kho vũ khí, với 23 khẩu súng trường và một khẩu súng ngắn ổ quay nằm lăn lóc khắp nơi. Trong những tuần tiếp theo, Tiffany và các đồng nghiệp bị chôn vùi trong hậu quả của thảm kịch này. Họ là các chuyên gia về cái chết, gần như mỗi ngày. Nhưng vụ xả súng lần này thật quá đỗi kinh hoàng, quá tồi tệ tới mức khiến con tim họ tan nát.

Hai người sống sót ôm nhau khóc sau khi thoát khỏi vụ xả súng kinh hoàng ở Vegas.
Hai người sống sót ôm nhau khóc sau khi thoát khỏi vụ xả súng kinh hoàng ở Vegas.

Phản ứng nhanh nhưng luôn tới cuối cùng

Nhân viên pháp y ở Mỹ tự gọi mình là “những người phản ứng nhanh luôn tới cuối cùng”. Họ chỉ xuất hiện sau khi hoạt động cấp cứu đã kết thúc - lúc đã có người mất mạng và ai đó có cơ may sống sót thì đều được đưa đi hết khỏi hiện trường để kiểm tra và thu thập thi thể, thông báo cho thân nhân, trợ giúp hoạt động liệm thi thể.

Trước đây, người ta thường hình dung nhân viên khám nghiệm pháp y là các ông già tóc bạc, trông rất lạnh lùng và thích làm việc với người chết, vì họ không mê nổi người sống. Tuy nhiên, thực tế hôm nay, phụ nữ đang chiếm số đông. Ví dụ tại quận Clark, hơn 85% nhân viên khám nghiệm pháp y là phụ nữ. Họ đều là những con người trông rất bình thường, nếu không muốn nói là dễ mến và giỏi giao tiếp.

Với mức lương khởi điểm chỉ 15 USD mỗi giờ - bằng lương một “shipper” giao hàng của Amazon - có thể thấy họ đảm nhận công việc này vì động cơ muốn chia sẻ bớt nỗi đau với các gia đình nạn nhân, hơn là vì tiền. Và họ gắn bó với công việc mạnh hơn nhiều người có thể tưởng tượng.

Cá nhân Tiffany đã phát hiện mình “có duyên” với nghề pháp y sau thời gian thực tập tại một bệnh viện địa phương. Một lần cô đã chứng kiến cặp vợ chồng nọ đau khổ đứng bên thi thể đứa con trai 5 tuổi vừa mới qua đời vì nghẹn xúc xích. Đột nhiên cô nhận ra rằng, động lực cứu người của mình không thật mạnh mẽ như bản thân vẫn tưởng. Thay vì thế, cô muốn được giúp người khác vượt qua giai đoạn sau khi ai đó mới qua đời.

Năm 2010, Tiffany được nhận vào làm tại Phòng Pháp y quận Clark. Khi John Fudenberg được chỉ định làm Phó phòng Pháp y quận Clark vào năm 2003, ông đã có cơ hội được nhìn vào mặt tối và sự cô độc của rất nhiều cư dân đang sống tại thành phố. Đằng sau những ánh đèn neon hào nhoáng và các cuộc vui điên loạn, Las Vegas dường như là chốn mà người ta tìm tới để chạy trốn thực tại, hoặc bất cứ thứ gì khác.

Cư dân ở thành phố thường chết một mình không ai biết và thi thể của họ chỉ được phát hiện sau nhiều ngày. Tìm kiếm thân nhân của các thi thể ấy thường sẽ mất nhiều cuộc điện thoại và đôi khi kết thúc là với ai đó mà người chết đã không còn giữ quan hệ trong nhiều năm. Sau khi xét nghiệm thi thể một bé gái 12 tuổi bị bạn vô tình bắn chết, ông đã không thể quên sự kiện và còn hình dung cô con gái của mình đang nằm vô hồn trên cáng, cũng như cảm giác đau đớn kinh khủng vì mất con.

Để hiểu rõ công việc có tác động tâm lý lớn thế nào tới nhân viên, John đã nghiên cứu làm một bài khảo sát nhỏ. Ông đề nghị nhân viên kể về các vụ khiến họ ám ảnh nhất và hỏi xem họ muốn được hỗ trợ như thế nào. Phần lớn nhân viên đều nói đó là các vụ việc có yếu tố hơi giống với họ, hoặc cuộc đời, hoặc người thân của họ. Một nữ pháp y, bà mẹ của một thiếu nữ vị thành niên, nói rằng bản thân đã rất phẫn nộ khi phải khám nghiệm thi thể một người trẻ chết vì sốc ma túy. Người khác có ông nội đang được chăm sóc tại viện dưỡng lão, chia sẻ rằng bản thân rất buồn khi đi thu thập xác một người già chết cô đơn.

Phần lớn nhân viên pháp y ở quận Clark không bị buộc phải chia sẻ cảm xúc của họ, càng không phải nói với một quản lý như John. Tuy nhiên, ông vẫn chủ động tìm được một chuyên gia tư vấn - người đã hướng dẫn nhân viên của ông cách động viên, chia sẻ với đồng nghiệp thông qua các hành động như lắng nghe mà không phát xét, tránh tuyệt đối các cụm từ như “tôi hiểu rồi”.

Hướng tiếp cận mới nhận được sự ủng hộ của nhân viên và khiến John cảm thấy khá ổn về mọi thứ trong mùa Hè 2017. Nhưng thi thoảng ông lại nhớ một ký ức xưa cũ: Ngay trước khi John nhận việc tại Phòng pháp y, người tiền nhiệm Mike Murphy đã có cuộc gặp bàn giao ngắn với ông. Họ đã ngồi quanh cái bàn tròn trong phòng Murphy - giờ là phòng của John.

“Chà” - Murphy nói sau khi thở dài. “Tôi đã đi qua hành trình dài này mà không phải xử lý bất kỳ vụ xả súng giết người hàng loạt nào. Giờ tôi trao lại công việc cho anh”. Câu nói tưởng như đùa ấy không ngờ đã trở thành vấn đề mà John phải đối mặt.

Trưởng phòng Pháp y quận Clark - John Fudenberg.
Trưởng phòng Pháp y quận Clark - John Fudenberg.

Cuộc xét nghiệm đặc biệt với sát thủ

Khi còn là một nhân viên kỹ thuật y tế, Nicole Charlton không gặp vấn đề gì trong việc xử lý các thi thể, kể cả những công việc khó khăn như cưa xương và mổ nội tạng để xét nghiệm tử thi. Nhưng điều mà cô không thể chịu được lại chính là công việc các nhân viên pháp y phải làm: Thông báo với các gia đình và chứng kiến nỗi đau của họ. Vì thế khi đã quá mệt mỏi với công việc, Nicole trở thành trợ lý điều hành của John - công việc được cô mô tả là “thư ký”, nhưng thực tế đóng vai trò cánh tay phải.

Nicole đang ngủ ở nhà khi vụ nổ súng xảy ra. John gọi điện và bảo cô chạy thẳng tới hiện trường. “Vụ này nghiêm trọng đấy”, ông nhắn thêm. Chỉ trong vòng 12 giờ kể từ khi vụ nổ súng xảy ra, John đã đưa Nicole vào ghế phụ trách Trung tâm hỗ trợ gia đình, một điểm gặp gỡ dành cho những người còn sống sót, các nhân chứng và thân nhân những người thiệt mạng, được đặt ở Trung tâm hội nghị Las Vegas. Nơi này, nhà chức trách đã thiết lập các khu vực để thân nhân nhận tin về người mất tích, bên cạnh các khu vực tư vấn tâm lý, khu vực hiến máu cứu người.

Trong ngày đầu tiên, Nicole còn nhớ cảm giác im lặng tới đáng sợ tại trung tâm. Phần lớn những người tìm kiếm thân nhân mất tích vẫn đang chạy xe từ bệnh viện này sang bệnh viện khác ở Vegas. Người từ ngoài thành phố cũng thi nhau bay tới đây. Nicole có 250 tình nguyện viên dưới quyền và chẳng biết phải làm gì với họ. Cô cũng có nhiều chiếc xe chờ sẵn quanh góc phố, sẵn sàng tiếp nước và đồ ăn cho người có nhu cầu, nhưng chẳng ai tới dùng.

Phải tới buổi chiều hôm đó, những người bị ảnh hưởng mới bắt đầu đổ đến. Nicole không thể quên một người đàn ông đẫm máu từ đầu tới chân. Vợ ông này bị trúng đạn khi đứng ngay bên cạnh chồng. Ông đã đưa vợ đi xa nhất có thể, nhưng khi thấy đạn găm phầm phập bên cạnh vỉa hè, ông không còn cách nào khác ngoài việc để vợ xuống và chạy thoát thân.

Sau rốt, 4.000 người đã tìm tới trung tâm. Trong các căn phòng đặt ở phía sau trung tâm, các nhân viên pháp y có những cuộc trò chuyện đầu tiên với nhiều gia đình. Họ thu thập thông tin cần thiết: Nơi nạn nhân đã đi tới, chiều cao, màu mắt, dấu vết khi sinh, hình xăm. Họ sẽ sử dụng các mô tả đó, cùng dấu vết vân tay và răng miệng, để xác định xem nạn nhân nào đã thiệt mạng.

Mô tạng của con người bắt đầu phân hủy gần như ngay khi họ qua đời và chỉ môi trường lạnh mới có thể làm chậm quá trình này. Bởi vậy, các nhân viên pháp y không thể trì hoãn trong việc đưa thi thể tới phòng lạnh đặt tại Phòng pháp y. Lần ấy, thi thể được đưa về với số lượng lớn tới mức hành lang chính chỉ còn đủ chỗ trống để người ta lách qua. 15 thi thể buộc phải để ngoài bãi đậu xe, trong các xe lạnh chuyên dụng. Khỏi phải nói Phòng pháp y đã làm việc căng đến mức nào. Bình thường, một nhân viên pháp y chỉ phải thông báo tin dữ cho từ 1 tới 2 gia đình mỗi ngày. Nhưng trong mấy ngày sau vụ xả súng, mỗi người đã phải thông báo cho từ 5 tới 6 gia đình trong mỗi ca trực.

9 giờ 34 đêm 4.10.2017, tức chỉ 3 ngày sau vụ nổ súng, John viết thời gian và ngày tháng lên một tờ giấy ghi chú màu vàng rồi viết rõ bằng chữ hoa: TẤT CẢ ĐÃ ĐƯỢC NHẬN DẠNG, CÁC GIA ĐÌNH ĐÃ ĐƯỢC THÔNG BÁO. Ông và đội ngũ dưới quyền đã hoàn thành nhiệm vụ với tốc độ và độ chính xác đáng kinh ngạc.

Cần biết rằng thi thể của tay súng đã gây ra vụ thảm sát cũng được đưa tới Phòng pháp y. Thi thể của tội phạm, kể cả những kẻ giết người, vẫn thường được mang tới đây. Trong phần lớn trường hợp, bác sĩ pháp y xử lý những cái xác đó như bình thường.

Nhưng lần này John đã thấy một cảm giác khác lạ. “Nhìn thấy xác gã đó nằm trên cáng, tôi không thể ngăn nổi suy nghĩ trong mình, rằng hắn là kẻ ác độc tới nhường nào?” - John kể. Ông biết gia đình những người mất mạng không muốn kẻ giết người nằm bên thân nhân họ. Nhưng ông chẳng có lựa chọn nào cả. Vậy là thay vì tống cái xác đi nơi nào đó cho khuất mắt, ông đã dựng một hàng rào tạm làm từ vải linen và những thứ khác bao quanh cái xác. Thi thể của tay súng đã nằm tại kho lạnh của Phòng pháp y trong suốt gần 4 tháng trời, bởi đây là bằng chứng trong một vụ trọng án.

Suốt thời gian đó, những kẻ theo thuyết âm mưu ngày đêm rình mò Phòng pháp y. Những kẻ này theo chân các điều tra viên ra tận xe và cáo buộc họ đang che dấu điều gì đó, rằng họ đang làm chuyện mờ ám để bênh sát thủ. John buộc phải lắp camera giám sát và tăng người bảo vệ. Cảnh sát đã lập hàng rào phong tỏa quanh Phòng Pháp y 24/24 để bảo vệ những người bên trong, và cái xác.

Khi tiến hành khám nghiệm cái xác của tay súng, John quyết định rằng ông sẽ triển khai các hoạt động chặt chẽ nhất. Bất kỳ sự chệch hướng nào sẽ chỉ khiến những kẻ theo thuyết âm mưu có cơ hội gây chuyện. John đã sắp xếp để gửi phần não của tay súng tới Đại học Stanford để kiểm tra đặc biệt. Thường thì những cuộc kiểm tra như thế sẽ không được tiến hành nếu ai đó tự bắn vào đầu họ. Và John cũng thường gửi phần não đi trong một chiếc hộp lạnh, thông qua dịch vụ chuyển phát nhanh.

Nhưng lần này, do mức độ nghiêm trọng của sự việc, John vẫn tiến hành xét nghiệm. Không những thế, ông tự bỏ bộ não của sát thủ vào hộp lạnh và lên máy bay tới Đại học Stanford. Đêm ấy, John nghỉ trong một ngôi nhà thuê qua dịch vụ Airbnb, với phần não của sát thủ nằm trong tầm với. Ông gần như thức trắng đêm, chỉ mong trời sáng để đưa mẫu xét nghiệm tới trao cho bên làm xét nghiệm.

Chuyên gia pháp y cao cấp Tiffany Brown ở quận Clark, Las Vegas, Mỹ.
Chuyên gia pháp y cao cấp Tiffany Brown ở quận Clark, Las Vegas, Mỹ.

Những cái giá vô hình

Chuyên gia pháp y cao cấp Priscilla Chavez về nhà vào ngày 4.10.2017, sau khi đã liên tục tham gia 3 ca làm việc dài 18 giờ đồng hồ. Priscilla ngồi trên ghế bành, im lặng tới mức chồng cô phải xuống hỏi có muốn ăn gì không. Nghe tiếng chồng, Priscilla òa khóc và không ngừng lại cho tới tận 1 tiếng đồng hồ sau đó. Đây không phải lần đầu tiên cô chảy nước mắt khi làm việc, nhưng chưa bao giờ khóc lâu như thế.

Trở lại văn phòng, Priscilla thấy rằng cô không phải là người duy nhất bị ảnh hưởng tâm lý từ vụ xả súng. Khi cửa đã đóng lại sau lưng và gia đình các nạn nhân đã trở về, đồng nghiệp của cô bắt đầu run rẩy vì nỗi đau mà họ cảm nhận được. Một số thì quát mắng người khác vô cớ, chỉ vì cảm xúc của họ bị xáo trộn. Và khi được nghỉ ngơi, tất cả đều không thể tập trung chăm sóc cho gia đình như trước. Họ trở nên dễ cáu, bị xao lãng và không còn thấy vui trước mọi thứ.

Ngay cả John cũng thấy khó khăn sau vụ thảm sát. Nhân viên vẫn nhớ mỗi khi John cần nói chuyện với họ về thảm kịch, ông thường xoay ghế và nhìn vào tường, để họ không thấy ông đang khóc và khóc theo. Một tuần sau vụ thảm sát, John quan sát tinh thần nhân viên và có cảm giác phải xốc lại tất cả. Người của John cần được giúp đỡ. Bản thân ông cũng cần được giúp đỡ. Ông biết truyền thống lâu nay của nghề pháp y là để mặc mỗi người lại với nỗi đau khổ của họ. Nhưng lương tâm không cho phép John đi theo truyền thống này.

Vì thế, ông quyết định thuê một số chuyên gia tư vấn với văn phòng để gặp các nhân viên. Ông nhớ đã thấy một số nhân viên pháp y run rẩy. Họ đã kinh ngạc khi thấy cảm xúc trong mình tuôn trào lúc lắng nghe người khác kể về điều tồi tệ nhất mà mình chứng kiến. Ai cũng khóc trong buổi hôm ấy.

Chưa dừng lại ở đó, John gọi cho một chuyên gia tư vấn có tên Jeremy Levy ở Sở Cảnh sát Las Vegas và ông này đã sắp xếp để bên đội cảnh khuyển cử 19 chú chó ghé thăm Phòng Pháp y. Hôm đó đã rất nhiều nhân viên pháp y vừa ôm chó vừa khóc. Với sự giúp đỡ của levy, John còn đưa các thầy dạy yoga và thiền tới văn phòng. Ông cho nhân viên tham gia các buổi thiền và yoga dài 45 phút, được thực hiện 3 lần mỗi ngày trong vòng một năm trời. Ông còn tổ chức tiệc nướng tập thể vào cuối tuần cho các nhân viên pháp y và gia đình họ, cho họ tham gia thêm nhiều buổi yoga, thiền. Mấu chốt của tất cả các hoạt động này là giúp nhân viên bình thường trở lại sau cú sốc lớn, giúp họ đứng dậy và sống tiếp.

James S. Gordon - Giám đốc điều hành của tổ chức phi lợi nhuận Trung tâm Sức khỏe tinh thần ở Washington - đánh giá, tại các vụ thảm sát mới xảy ra trong năm 2019, người ta thường chỉ nhớ đến những người đã chết: 10 nạn nhân ở Dayton, 22 nạn nhân ở El Paso, 13 tại Virginia và 58 người ở Las Vegas. Nhưng con số nạn nhân thực sự phải lên tới hàng nghìn. Đó là những người bị bắn và sống sót. Đó là những người vô tình chứng kiến màn giết chóc, là bạn bè và người thân quen của các nạn nhân. Đó còn là các nhân viên pháp y, những người tới hiện trường theo tiếng gọi của trách nhiệm và giờ đây phải chật vật sống tiếp sau khi đã chứng kiến những hậu quả khủng khiếp và chết chóc do một cá nhân gây ra.

Hương Giang (Tổng hợp)
TIN LIÊN QUAN

Phà Phong Châu hoạt động hết công suất

Tô Công |

Phú Thọ - Phà Phong Châu đang hoạt động hết công suất phục vụ nhu cầu đi lại của người dân huyện Tam Nông và Lâm Thao.

Trại lợn Rutech ở Lạng Sơn có biểu hiện coi thường pháp luật

An Trịnh - Khánh Linh |

Lạng Sơn - UBND huyện Đình Lập cho biết, dù đã nhắc nhở nhiều lần nhưng chủ trại lợn Rutech không hợp tác khắc phục, biểu hiện coi thường pháp luật.

Xe container lao vào nhà dân, tài xế chết tại chỗ

Minh Tâm |

TPHCM - Một xe container từ TPHCM về Bình Dương bất ngờ gây tai nạn rồi lao vào nhà dân (huyện Củ Chi), tài xế tử vong tại chỗ.

CEO-Cựu tiền vệ Triệu Quang Hà:Tôi không thể rời xa bầu Hiển

NHÓM PV |

Trong chương trình Cà phê chiều thứ 7 của Lao Động, doanh nhân, CEO Triệu Quang Hà kể về mối quan hệ thân tình với bầu Hiển.

Đề nghị dời căng tin trường vụ học sinh bị ngộ độc thực phẩm

NGUYÊN ANH |

Kiên Giang - TTYT huyện Kiên Hải thông tin về vụ ngộ độc thực phẩm và đề nghị nhà trường xem xét di dời địa điểm bán căng tin của trường đến một khu vực khác.

Cháy cửa hàng điện máy ở An Giang, thiệt hại hơn 9 tỉ đồng

Tùng Linh |

An Giang - Cửa hàng Điện Máy Xanh (trên đường Trần Hưng Đạo, phường Mỹ Phước, TP Long Xuyên) bị cháy, thiệt hại hơn 9 tỉ đồng.

Lê Thanh Thúy: Thi đấu quốc tế giúp cầu thủ bóng chuyền thêm cơ hội xuất ngoại

HOÀNG HUÊ |

Phụ công Lê Thanh Thúy của câu lạc bộ bóng chuyền nữ LPB Ninh Bình cho rằng, việc tham dự các giải quốc tế giúp cầu thủ tăng cơ hội xuất ngoại.

Tai nạn liên hoàn ở Hà Nội, xe con biến dạng

Tô Thế |

Hà Nội - Vụ tai nạn liên hoàn xảy ra tại đoạn chân cầu Thăng Long (gần nút giao Vành đai 3) hướng vào nội thành.