Bão Harold tấn công nhiều quốc đảo trong khu vực vào tuần trước khiến hàng chục người thiệt mạng, nhiều thị trấn ngập lụt và nhà cửa bị tàn phá. Ngay cả trong thời gian bình thường, đây đã là một tình huống khủng khiếp. Tuy nhiên, mối đe dọa của virus xuất hiện trong các cộng đồng nghèo khó, tình huống này lại trở thành thảm họa.
“Về lý thuyết, tất cả các đảo đều có kế hoạch ứng phó với đại dịch, nhưng thực tế cơn bão đã làm ảnh hưởng đến kế hoạch này” – BBC dẫn lời tiến sĩ Colin Tukuitonga, người đứng đầu khu vực Thái Bình Dương và Y tế Thế giới tại Đại học Auckland. “Cả virus và bão đều gây ra tình huống khó khăn này”.
Bão Harold hình thành ngoài khơi quần đảo Solomon vào đầu tháng 4, đổ bộ vào Vanuatu vào ngày 6.4 và sau đó di chuyển đến Fiji và Tonga. Chỉ riêng ở Vanuatu, gần 160.000 người đang cần trợ giúp; ở Pentecost có 90% nhà cửa và cơ sở hạ tầng bị hư hại; ở Fiji ước tính 10.000 người và đường sá, trường học, điện, nước chịu ảnh hưởng nặng nề.
Hậu quả lớn nhất mà cơn bão để lại là sự ra đi của 27 trong 60 người trên chiếc phà du lịch ở quần đảo Solomon dù đã được chính phủ cảnh báo về rủi ro trước đó.
Hầu hết các quốc gia ở Thái Bình Dương được ca ngợi vì đưa ra các phòng chống dịch sớm - phong tỏa, hạn chế đi lại và khả năng tiếp cận bệnh dịch. Theo tiến sĩ Tukuitonga, điều này rất quan trọng khi mà hệ thống y tế ở khu vực này chưa thể đối phó với dịch bệnh.
“Không ở nơi nào có máy thở, khu chăm sóc đặc biệt và thậm chí, một số nơi còn không thể kiểm tra COVID-19”, tiến sĩ Tukuitonga nhấn mạnh. “Đó là lý do tại sao việc ngăn chặn dịch bệnh lại quan trọng đến vậy. Họ chủ động trong việc phong tỏa, đóng cửa biên giới và cách ly là điều rất đáng khen”.
Trong số các quốc gia bị bão tấn công, chỉ có duy nhất Fiji hiện có 16 bệnh nhân mắc COVID-19 và chưa có ca nào tử vong. Chính phủ nước này khuyến cáo người dân tuân thủ nghiêm ngặt quy định giãn cách xã hội, làm việc tại nhà, tuy nhiên, quy tắc này giờ đây sẽ phải thay đổi, nhất là đối với những người không còn nhà ở.
Họ không còn cách nào khác ngoài việc phải đến các trung tâm sơ tán, nơi mà thực hiện việc giãn cách xã hội trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.
“Các trung tâm sơ tán, thường là trường học hoặc nhà thờ, một người sẽ ở cùng rất nhiều người, nhưng không còn sự lựa chọn nào khác. Mọi người đang ở trong một không gian hẹp, điều kiện lý tưởng để virus xuất hiện” – tiến sĩ Tukuitonga bày tỏ.
Hội chữ thập đỏ Fuji đang cố gắng “tập trung vào việc vệ sinh” trong các trung tâm sơ tán một cách tốt nhất.
“Đó là một thách thức lớn để cân bằng thông điệp mọi người không nên ra ngoài, hãy ở nhà và giãn cách xã hội... Chúng tôi khuyến khích mọi người tìm nơi ở phù hợp trong các trung tâm sơ tán. Thật khó khăn khi phải đưa ra quyết định này”, Carl Lorentzen - quản lý truyền thông IRFC khu vực Thái Bình Dương chia sẻ.