Theo nghiên cứu của các nhà phân tích Citibank, ước tính cần 63.1 tỉ USD để xây dựng lại hạ tầng và giao thông cho Triều Tiên. Trong số này, 24.1 tỉ USD cần cho 28 dự án đường sắt, gần 22.8 tỉ USD cho 33 dự án đường bộ và 10 tỉ USD cho 16 dự án nhà máy điện. Chi phí xây dựng ngay lập tức ước tính 11.6 tỉ USD.
"Nếu hội nghị thượng đỉnh gần đây dẫn đến việc mở cửa nền kinh tế Triều Tiên, chúng tôi ước tính sẽ cần 63,1 tỉ USD trong dài hạn để xây dựng lại lĩnh vực giao thông và hạ tầng, như đường bộ, đường sắt, sân bay, cảng biển, nhà máy điện, mỏ, nhà máy lọc dầu và đường ống dẫn dầu" - RT dẫn phân tích của Citibank do ông Jin-Wook Kim đứng đầu công bố hôm 26.6.
Citibank cho biết, Hàn Quốc đã mời Nga đàm phán với Triều Tiên về việc xây dựng một đường ống dẫn khí đốt, hạ tầng đường sắt và các dự án khác liên kết vùng Viễn Đông của Nga với bán đảo Triều Tiên. Theo Citibank, Hàn Quốc sẽ được hưởng lợi từ việc tái thiết cơ sở hạ tầng của Triều Tiên, nhưng lợi nhuận không phải bằng tiền mà là lợi ích về địa chính trị.
"Nếu các dự án thực hiện ngay (11.6 tỉ USD) được tiến hành trong vòng 1 năm và các công ty Hàn Quốc chiếm 60%, chúng tôi ước tính tăng trưởng kinh tế của Hàn Quốc sẽ chỉ tăng 0.07%.
Tuy nhiên, một kết quả quan trọng hơn sẽ là gia tăng niềm tin từ việc giảm mạnh rủi ro về địa chính trị, chứ không phải giá trị đồng đôla thực tế của chi tiêu bổ sung" - phân tích của Citibank cho biết.
Hồi tháng 5, hai nhà nghiên cứu người Anh Stephen Jen và Joana Freire của Công ty Eurizon SLJ Capital Ltd so sánh chi phí thống nhất nước Đức với hai miền Triều Tiên và kết luận rằng, cần phải đổ vào Triều Tiên khoảng 2.000 tỉ USD để tạo dựng một đất nước ổn định nếu hai miền thống nhất, và Hàn Quốc sẽ là nước chịu trách nhiệm chi trả phần lớn khoản tiền này.