RT dẫn tuyên bố của Hải quân Mỹ cho biết, khu trục hạm lớp Arleigh Burke USS McCampbell - hoạt động ở căn cứ hải quân Mỹ tại Yokosuka, Nhật Bản - đã áp sát Vịnh Peter Đại đế - gần căn cứ Hạm đội Thái Bình Dương ở Vladivostock - "để thách thức tuyên bố chủ quyền quá mức của Nga, thực thi quyền đi lại tự do, theo luật pháp của Mỹ và các quốc gia khác".
Theo RT, lần cuối cùng hoạt động FONOP được thực hiện ở khu vực này là vào năm 1987, thời đỉnh điểm Chiến tranh Lạnh giữa Mỹ và Liên Xô.
Sự hiện diện của khu trục hạm Mỹ ở khu vực này được so sánh với việc tàu Nga áp sát San Diego, California hay Trân Châu Cảng ở Hawaii.
Mỹ không công nhận tuyên bố chủ quyền của Nga ở Biển Nhật Bản. Một quan chức Hải quân Mỹ nói với CNN rằng khu vực Nga tuyên bố chủ quyền vượt quá phạm vi 12 hải lý theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) - công ước mà Nga là một bên ký kết còn Mỹ thì không.
CNN cho biết thêm, Hải quân Mỹ cũng có kế hoạch điều tàu chiến vào Biển Đen trong tương lai gần. Theo CNN, Bộ Ngoại giao Mỹ đã thông báo cho Thổ Nhĩ Kỳ ý định điều chiến hạm qua eo biển Bosporus và Dardanelles - tuân thủ quy định báo trước 15 ngày theo các điều khoản của Công ước Montreux 1936.
Các quan chức giấu tên Mỹ nói với CNN, những động thái nói trên là nhằm đáp trả việc Nga bắt giữ 3 tàu hải quân Ukraina ở eo biển Kerch - nằm giữa Biển Azov và Biển Đen.
Động thái trên cũng diễn ra sau khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ra tối hậu thư cho Nga tuân thủ các điều khoản của Hiệp ước lực lượng hạt nhân tầm trung INF, nếu không Mỹ sẽ rút khỏi hiệp ước này.
Nga đáp trả tối hậu thư, khẳng định các cáo buộc của Mỹ rằng Nga vi phạm hiệp ước là vô căn cứ.