Khoảng 100 binh sĩ Nga đến Venezuela hôm 23.3 theo các điều khoản của một hiệp ước hợp tác quân sự Nga - Venezuela năm 2011, chính quyền Kremlin cho hay. Tuy nhiên, động thái này gây phẫn nộ ở Washington, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence gọi việc triển khai là “hành động khiêu khích không cần thiết”, theo RT.
Ông Pence cũng kêu gọi Nga rút lại sự ủng hộ với Tổng thống Nicolas Maduro và “đứng về phe ông Juan Guaido” - lãnh đạo đối lập tự xưng là tổng thống lâm thời Venezuela và được Washington công nhận.
Ngày 27.3, Tổng thống Donald Trump gặp vợ ông Guaido, bà Fabiana Rosales và cam kết ủng hộ chồng bà.
Ông Guaido tiếp tục chỉ trích chính phủ của Tổng thống Maduro, hôm 26.3 cáo buộc nhà lãnh đạo Venezuela vi phạm hiến pháp khi chào đón quân đội Nga đến Caracas.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh rằng, việc Nga triển khai quân đến Venezuela được thực hiện “theo đúng hiến pháp của Venezuela và hoàn toàn tôn trọng các quy tắc pháp lý của nước này”.
Các quan chức Mỹ nhiều lần cảnh báo Nga không can thiệp vào cuộc tranh đấu quyền lực giữa Tổng thống Maduro và ông Juan Guaido. Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton hôm 25.3 viết trên Twitter, rằng Mỹ sẽ “không dung thứ cho các thế lực quân sự nước ngoài thù địch, can thiệp vào các mục tiêu chung ở Tây bán cầu về dân chủ, an ninh và luật pháp”.
Chủ tịch Uỷ ban Quân vụ Thượng viện Mỹ Jim Inhofe cũng đe doạ thực hiện “bất cứ hành động nào cần thiết” nếu Nga xâm phạm “bán cầu của chúng ta” hồi tháng trước.
Về phần mình, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov chỉ trích "những nỗ lực của Washington trong việc tổ chức một cuộc đảo chính ở Venezuela và những mối đe dọa của Mỹ chống lại chính quyền hợp pháp là vi phạm Hiến chương Liên Hợp Quốc". Ông Lavrov sau đó cáo buộc Mỹ đang tiến hành "một sự can thiệp không thể chối cãi vào công việc nội bộ của một quốc gia có chủ quyền".