Tưởng thưởng xứng đáng cho thành công
Tối ngày 23.9, ở Gala công bố và trao các giải thưởng năm 2016 của AFF, BĐVN đã được ghi nhận và vinh danh với 5 giải thưởng quan trọng, trong đó đặc biệt nhất là giải thưởng LĐBĐ xuất sắc nhất năm. Đặc biệt bởi trước đó, trong 2 năm liên tiếp 2015 và 2016, VFF đều được đề cử vào giải thưởng LĐBĐ thành viên của năm và giải thưởng do Chủ tịch AFC công nhận về LĐBĐ có bóng đá phong trào phát triển.
“Đây là Giải thưởng dành cho LĐBĐ thể hiện được tính chuyên nghiệp trong các hoạt động quản lý, có những đóng góp tích cực, hiệu quả vào sự phát triển, đăng cai tổ chức thành công các sự kiện của bóng đá khu vực trong năm qua” - phát biểu tại lễ trao giải, TTK AFF Dato Azzudin tôn vinh.
Ngoài danh hiệu này, năm 2016 thành công của BĐVN còn nhận sự tưởng thưởng với 4 danh hiệu khác, gồm: HLV bóng đá nữ xuất sắc nhất - HLV Mai Đức Chung, Cầu thủ trẻ xuất sắc nhất - Đoàn Văn Hậu (cầu thủ đa năng của CLB Hà Nội có bước thăng tiến vượt bậc khi từ đội U.19 lên và đá chính ở U.20, U.22 rồi ĐTQG trong năm 2017 này), Nữ trợ lý trọng tài xuất sắc nhất - Trương Thị Lệ Trinh và có một cầu thủ lọt vào danh sách Đội hình xuất sắc nhất AFF 2016 “AFF Best XI- Tiền vệ Nguyễn Trọng Hoàng.
2016 là năm rất thành công của BĐVN, khi để lại dấu ấn cũng như những thành tích vang dội. Có thể kể đến việc tất cả ĐTQG trẻ từ U.16, U.19 và U.23 QG đều giành quyền dự VCK châu Á, trong đó U.19 Việt Nam vào bán kết Châu Á và lần đầu tiên trong lịch sử có mặt ở FIFA U.20 World Cup 2017. Cũng lần đầu tiên, U.16 Việt Nam vượt qua vòng bảng, vào đến Tứ kết giải U.16 Châu Á. Trong khi đó, ĐT Việt Nam giành HCĐ AFF Cup và mất vé chung kết chỉ vì “tai nạn” do sai sót cá nhân. Với bóng đá nữ, ĐT Việt Nam cũng giành HCB khi chỉ thua Thái Lan ở giải vô địch Đông Nam Á. Đặc biệt, futsal Việt Nam cũng tạo nên cơn địa chấn khi hạ ĐKVĐ Nhật Bản, vào bán kết giải Châu Á và lần đầu tham dự FIFA futsal World Cup, viết tiếp “chuyện cổ tích” khi vượt qua vòng bảng vào vòng 1/8.
Những giải thưởng lúc này lại như là... bi kịch
Thành công đó được AFF ghi nhận, tôn vinh. Tuy nhiên, giống như là bi kịch khi VFF nhận sự tôn vinh lại đúng ở thời điểm BĐVN bị xem là khủng hoảng nhất, sau thất bại tại SEA Games 29.
U.22 Việt Nam không qua được vòng bảng SEA Games 29 theo cách bi kịch nhất. Thất bại quá đau đớn theo cách khó tin này không chỉ khiến nhiều kế hoạch, dự định bị ảnh hưởng, lần lượt HLV Hữu Thắng từ chức, PCT VFF Đoàn Nguyên Đức rút lui mà còn kéo theo hệ quả quá nặng nề. Nó tạo ra những vết đứt gãy trong lòng BĐVN và thành lý do để người ta quay sang bắt lỗi, chỉ trích và quy trách nhiệm. Nguy hiểm hơn, nó tạo ra một cuộc “nội chiến” khi trước thềm Đại hội VFF khóa VIII có cả một kế hoạch yêu cầu “chấn hưng bóng đá”.
Thất bại ở SEA Games 29, giải đấu được đặt quá nhiều kỳ vọng lẫn trách nhiệm, bộc lộ nhiều vấn đề của U.22 Việt Nam cũng như BĐVN. Thế nhưng nếu chỉ nhìn nhận mọi thứ qua lăng kính của một thất bại, vốn bản chất mang yếu tố may rủi đặc trưng rất bóng đá, liệu có công bằng và đúng, tốt cho tương lai?
Cần phải hỏi câu hỏi này với tất cả sự tỉnh táo cùng tinh thần xây dựng, trước trạng thái loạn và nguy cơ mất kiểm soát khi chính những người làm bóng đá gặp sự phản đối dữ dội của dư luận xã hội cũng như sự tấn công của không ít thế lực muốn, đòi hỏi sự thay đổi.
Thay đổi là tốt, phát triển và cần phải thay đổi để phát huy, phát triển hơn nữa như kỳ vọng cùng những gì bóng đá nhận được. Thế nhưng không thể phủ nhận những gì BĐVN cũng như VFF làm, có được mà 5 giải thưởng cùng sự vinh danh của AFF cho thành công ở năm 2016 là minh chứng. Bởi sự phủ nhận đó, đến sau một thất bại khiến quá cả nền bóng đá lung lạc rồi chia rẽ, khi đặt cạnh giá trị của sự ghi nhận từ “người ngoài” thì không khác gì một bi kịch...
Tháng 5.2016, TAND quận Nam Từ Liêm và TAND thành phố Hà Nội đã xét xử vụ án tranh chấp lao động giữa ông Nguyễn Văn Chương, Lại Đức Lợi và VFF, sau khi VFF buộc phải cho thôi việc. Tại phiên tòa sơ thẩm của 2 vụ kiện này, TAND quận Nam Từ Liêm đã bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là ông Nguyễn Văn Chương và Lại Đức Lợi. Trong 3 ngày 11, 19 và 22.9, TAND TP.Hà Nội đã xét xử phúc thẩm theo yêu cầu kháng cáo và khẳng định định VFF đúng, bác toàn bộ yêu cầu kháng cáo. Do ông Chương đã từng kiêm nhiệm vị trí PCT Công đoàn VFF khóa V nên yêu cầu VFF hỗ trợ 9 tháng tiền lương.