Việc cải tổ VFF thời gian qua có rất nhiều kênh và kênh nào cũng không chính thống cả. Điển hình có ý kiến cho rằng nên “dẹp tất cả” để mở ra một bộ máy mới, gồm những con người mới, qua việc kịch liệt đả phá những người cũ và cho rằng họ phá bóng đá.
Có ý kiến thì ra sức bảo vệ những người đang chèo lái nền bóng đá và đưa ra những dẫn chứng để tăng độ thuyết phục như thành công của bóng đá trẻ và những thu hoạch ở cấp độ dưới U.22.
Việc cải tổ bóng đá không chỉ nói khơi khơi mà phải có những quy trình, lộ trình thuyết phục. Chẳng hạn chính những nhà làm bóng đá nên ngồi lại với nhau một cách nghiêm túc và đặt tất cả lên bàn cân xem những ai làm được và những gì làm được. Song song đó là những ai không làm hoặc không được tạo điều kiện để làm tốt.
Những thành tích hay thất bại của BĐVN cũng nên được nhìn nhận theo hướng tích cực. Chẳng hạn thất bại của U.22 Việt Nam ở SEA Games 29 hay của ĐTQG ở AFF Cup 2016 nên được phân tích kỹ lưỡng thay vì quy kết bị loại khỏi bán kết là thất bại.
Sâu xa hơn nữa là những nhà điều hành bóng đá cần phải xem lại việc bộ máy đang chạy có phải là “chỉ có 2 người” làm như một số ủy viên thường nói hay không và hướng khắc phục sắp tới sẽ ra sao.
Cải tổ một bộ máy không có nghĩa là đạp đổ tất cả những gì đã và đang được xây dựng nhưng lại bị cố tính hiểu sai.
Cải tổ một bộ máy cũng không có nghĩa là cứ cái gì xây mới sẽ tốt bởi đã 7 nhiệm kỳ qua BĐVN đã biết bao lần xây mới nhưng có tốt hơn đâu.
Cải tổ một bộ máy nên bắt đầu từ việc nhìn lại và rà soát tất cả những gì đã làm, đang làm, những gì được và chưa được để điều gì cần phát huy và điều gì phải khắc phục.
Ngoài ra còn một điều quan trọng hơn hết là phải trung thực với chính mình…