Đoàn thể thao Indonesia đã kết thúc Olympic Tokyo 2020 với việc giành 1 Huy chương vàng, 1 Huy chương bạc và 3 Huy chương đồng. Đáng chú ý, môn cử tạ giành đến 3/5 huy chương cho Indonesia gồm: Huy chương bạc của Eko Yuli Irawan (hạng cân 61kg nam) và Huy chương đồng của Erwin Rahmat (hạng cân 73kg nam) và Cantika Windy (hạng cân 49kg nữ). Hai vân động viên cử tạ không giành huy chương là Nurul Akmal (hạng 87kg nữ) và Deni (hạng 67g nam).
Từ khi giành tấm huy chương Olympic đầu tiên tại Thế vận hội Sydney 2000, cử tạ luôn có vận động viên đoạt huy chương cho thể thao Indonesia ở sân chơi này. Các đô cử của Indonesia chưa vươn đến Huy chương vàng, nhưng sự ổn định về thành tích và tiềm năng của môn thể thao này tại xứ vạn đảo là điều nhìn thấy rõ.
Đáng chú ý, ngân sách được phân bổ hàng năm cho môn cử tạ của Indonesia không lớn. Theo điều tra của CNN Indonesia, Hiệp hội Cử tạ và Thể hình Indonesia chỉ nhận được khoản ngân sách 10 tỉ rupiah/năm (gần 16 tỉ đồng) từ ngân sách nhà nước, để chi cho việc tập luyện, thi đấu các giải trong quá trình chuẩn bị cho Olympic Tokyo 2020. Đáng chú ý, số tiền này thấp hơn con số 12 tỉ rupiah mà Hiệp hội đề xuất.
Số tiền này rất nhỏ nếu so với những gì cử tạ này đã đóng góp cho thể thao Indonesia ở đấu trường lớn nhất thế giới. Thậm chí, nhiều quốc gia chi số tiền rất lớn cho môn thể thao cơ bản này, nhưng không có được 1 tấm huy chương chứ chưa nói đến 3 huy chương như Indonesia.
Truyền thông Indonesia đang kêu gọi, sau thành công tại Olympic Tokyo 2020, Bộ Thanh niên và Thể thao nước này sẽ phân bổ ngân sách nhiều hơn cho cử tạ, nhất là so với cầu lông hay bóng đá. Hai môn thể thao này được rót ngân sách nhiều nhất với mức 50 tỉ rupiah/năm, tức gấp 5 lầm so với cử tạ. Cầu lông có thu được thành công khi đã mang về 1 Huy chương vàng và 1 Huy chương đồng nhưng với bóng đá, rõ ràng mọi thứ cần cân đối lại.