Vòng 21 Night Wolf V.League 2022, Hà Nội FC làm khách trên sân Lạch Tray của câu lạc bộ Hải Phòng. Cuộc chiến ở tốp đầu bảng xếp hạng, được xác định là “nóng” và vì thế, VFF cùng VPF thuê trọng tài ngoại. Từ giờ cho đến cuối mùa, các trận đấu quan trọng sẽ có sự hiện diện của đội ngũ trọng tài nước ngoài.
Trong bối cảnh trọng tài nội đang chịu sức ép rất lớn sau nhiều sai sót ở các vòng đấu trước, chọn những người cầm cân nảy mực từ quốc gia khác được cho là “liệu pháp tâm lý”. Đương nhiên rồi, về lý thuyết, họ không đứng về câu lạc bộ nào cả, rất khách quan, do đó, các câu lạc bộ cảm thấy yên tâm hơn.
Bóng đá là những biến số khó lường, vậy nên, hỏi xem trận đấu ở Lạch Tray có những tình huống tranh cãi không? Có, nhưng sự hiện diện của trọng tài ngoại khiến nó không trở nên quá căng thẳng.
Dễ hiểu thôi, trong đầu các cầu thủ sẽ không vướng bận những vấn đề nghi vấn về chuyện trọng tài đến từ khu vực nào ở trong nước, có thể “bênh” ai hay o ép ai. Và vì thế, họ sẽ dễ chấp nhận kết quả mà không có sự phản đối.
Liệu pháp tâm lý vậy cũng tốt, nhưng liệu có thể lâu bền?
Cũng là liệu pháp tâm lý, nhưng cách huấn luyện viên Mai Đức Chung cùng các cầu thủ nữ của đội tuyển quốc gia đánh giá về bảng đấu ở World Cup 2023 hướng sự nhìn nhận đến góc độ lạc quan. Chung bảng với những đối thủ mạnh như Mỹ và Hà Lan, có thể là cả Bồ Đào Nha hoặc Cameroon, huấn luyện viên Mai Đức Chung coi đó là một cơ hội để… giao hữu.
Thực vậy, nếu không dự World Cup, tuyển nữ Việt Nam bao giờ mới được đá với các đối thủ hàng đầu thế giới? Tuyển nữ có thể thua đậm hơn kết quả 0-7 khi gặp tuyển Pháp cách đây vài tháng, nhưng hẳn nhiên, thầy Chung vẫn thấy “hạnh phúc và vui mừng” vì các cầu thủ nhờ đó sẽ tiến bộ hơn. Rồi thậm chí họ còn là tấm gương để các cầu thủ trẻ nỗ lực hơn.
Liệu pháp tâm lý này có thể gạt đi những đánh giá về sự chênh lệch trình độ, những suy nghĩ tiêu cực, rằng đến với giải đấu chỉ để làm nền…