"Ngã ngửa" vì phí ship
Do công việc bận rộn nên chị Nguyễn Thị Tuyết (Ngõ 73, đường Nguyễn Trãi) thường xuyên phải đặt đồ ăn trưa trên các ứng dụng di động. Thế nhưng từ khi giá xăng tăng, cước phí vận chuyển có hôm gần bằng giá trị đơn hàng khiến cho nhiều người tiêu dùng như chị Tuyết bất ngờ.
"Bình thường tôi hay đặt 3 suất cơm văn phòng, tổng đơn hàng là gần 200.000 đồng. Trước đây, tiền ship thường chỉ khoảng 10.000 - 15.000 nghìn đồng. Nhưng nay phí ship đã lên đến 35.000 - 40.000 nghìn đồng, rất ít khi có mã giảm giá. Với tình hình này, anh chị em trong công ty đã rủ nhau mang đồ ăn từ nhà hoặc thay phiên đi mua đồ ăn trưa để tiết kiệm phần nào chi phí", chị Nguyễn Thị Tuyết chia sẻ.
Bà Phan Thị Hồng Duyên (chủ cửa hàng đồ uống tại số 226, phố Thượng Đình) cũng gặp khó khăn trong kinh doanh khi giá xăng dầu tăng cao - đồng nghĩa với chi phí vận chuyển, phí ship, nguyên vật liệu đầu vào cũng tăng chóng mặt.
Là người kinh doanh nên bà Duyên chỉ mong giá xăng dầu nhanh chóng bình ổn vì một tuần trở lại đây, doanh thu của cửa hàng đang có dấu tụt dốc, số lượng khách hàng đã giảm mạnh dù đang ở trong mùa cao điểm nắng nóng.
"Có khi chạy cả ngày chỉ đủ bù tiền xăng"
Theo ghi nhận của PV, trên nhiều hội nhóm, mạng xã hội gần đây có không ít tài xế hãng xe công nghệ như Grabfood, Bee, Shopee…, chia sẻ, do cước phí vận chuyển đã tăng theo giá xăng nên khiến đa số tài xế nản lòng, dù "cày" cả ngày đêm cũng không có lời.
Anh Lê Ngọc Minh (shipper khu vực quận Thanh Xuân) tâm sự, gần đây giá cước cũng đã tăng thêm từ 5.000 - 10.000 đồng/đơn hàng, tùy vào khoảng cách. Bên cạnh đó, nếu như trước thời điểm xăng tăng giá, anh Minh thường nhận ship theo từng đơn lẻ thì nay anh chỉ gom đơn đi theo từng tuyến và cố gắng định hình quãng đường di chuyển ngắn nhất để tiết kiệm nhiên liệu.
"Giá xăng tăng cao đã ảnh hưởng nhiều đến thu nhập, khiến việc cân bằng chi tiêu trong gia đình tôi cũng phải tính toán lại. Thời gian trước, tôi đổ xăng đầy bình xe máy chỉ hết khoảng 50.000 đồng, nhưng bây giờ để đổ đầy bình phải khoảng 90.000 - 100.000 đồng, tiền công chạy xe cả ngày có khi chỉ đủ để bù tiền xăng" - anh Hoàng Văn Bình (shipper giao hàng trên đường Nguyễn Trãi, Hà Nội) cho hay.
Chia sẻ về những áp lực nêu trên, chuyên gia kinh tế - PGS.TS Trần Hoàng Ngân nêu quan điểm: “Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan cần có giải pháp quản lý, kiểm soát hiệu quả giá cả hàng hóa, dịch vụ khi thực hiện điều chỉnh giá xăng dầu, hạn chế tình trạng “ăn theo” giá xăng dầu như hiện nay để trục lợi. Đồng thời, tiếp tục quan tâm, có biện pháp hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp”.
Theo PGS.TS Trần Hoàng Ngân, hiện nay, mặt hàng xăng dầu của Việt Nam vẫn chủ yếu nhập khẩu từ thị trường thế giới, do vậy vẫn phải phụ thuộc vào biến động giá xăng dầu thế giới khi xung đột Nga - Ukraine chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Trên thế giới, giá xăng dầu tại nhiều quốc gia cũng không đứng ngoài vòng xoáy tăng giá. Để giảm bớt tác động tiêu cực với người dân, doanh nghiệp, Việt Nam có thể tham khảo các nước lớn trên thế giới với các giải pháp kìm giá xăng dầu để điều tiết thị trường khi giá dầu cao, nhằm góp phần bình ổn thị trường đối với mặt hàng này.