Hoạt động HĐND ngày càng bám sát yêu cầu của thực tiễn
Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2022 và triển khai kế hoạch công tác năm 2023 do Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức ngày 21.2, tại Quảng Ninh.
Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, đây là hội nghị lần thứ 2 trong 2 năm liên tiếp tổng kết công tác HĐND.
Các ý kiến đóng góp tại hội nghị rất tâm huyết, thảo luận sôi nổi, thẳng thắn, trách nhiệm cao, trên tinh thần xây dựng, khách quan.
Đồng thời đánh giá những kết quả nổi bật, nêu những mô hình hay, cách làm mới và những bài học quý, cũng như những tồn tại, hạn chế và đề xuất kiến nghị sao cho thiết thực, góp phần tiếp tục đổi mới, nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND.
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, năm 2022 đất nước ta đã thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ kinh tế - xã hội. Nhiều địa phương thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù đã có mức phát triển cao hơn.
Theo Chủ tịch Quốc hội, có nhiều bài học quý, cách làm hay, điểm nhấn trong hoạt động của HĐND ngày càng nhiều. Tinh thần hoạt động ngày càng bám sát yêu cầu của thực tiễn hơn, thiết thực, trách nhiệm hơn.
Việc hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật và bản thân công tác giám sát cũng phải vì mục tiêu kiến tạo cho sự phát triển.
Thường trực HĐND các tỉnh, thành phố đã chủ động xây dựng chương trình hành động cho cả nhiệm kỳ 2021-2026. Các trường hợp đại biểu có vi phạm đã bị xử lý về kỷ luật Đảng, kỷ luật hành chính cho thấy sự nghiêm minh.
Thường vụ Quốc hội đã kịp thời ban hành các nghị quyết để xử lý trường hợp vi phạm. Các đại biểu Quốc hội bị kỷ luật đã xin thôi nhiệm vụ đại biểu Quốc hội.
Theo Chủ tịch Quốc hội, việc này đã góp phần rà soát, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức thực sự liêm chính, thật sự là người đại diện tiêu biểu theo ý chí, nguyện vọng của nhân dân.
Tuy nhiên, theo Chủ tịch Quốc hội, hoạt động của HĐND còn một số tồn tại hạn chế. Chất lượng kỳ họp, hoạt động của Thường trực HĐND chưa đáp ứng yêu cầu và kỳ vọng của cử tri và nhân dân...
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, đổi mới nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động HĐND; chất lượng các kỳ họp HĐND; công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo... tiếp tục là những vấn đề đặt ra.
Đặc biệt, năm 2023 rất quan trọng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị HĐND các tỉnh, thành phố cần nỗ lực cao hơn nữa, hành động quyết liệt hơn nữa trong thực hiện các nhiệm vụ.
Việc lấy phiếu tín nhiệm là công tác trọng tâm của nhiệm vụ trọng tâm
Chủ tịch Quốc hội lưu ý cần lựa chọn và thực thi các nhiệm vụ trọng tâm làm chuyển biến mạnh mẽ tình hình cả về bề rộng, chiều sâu và chất lượng.
Bên cạnh đó, cần tập trung nâng cao chất lượng các nghị quyết của HĐND theo hướng phải bảo đảm tính dự báo chính xác, lượng hóa được mục tiêu chính sách.
Các giải pháp và nhiệm vụ phải rất cụ thể, rõ ràng, bám sát thực tiễn cuộc sống, dễ triển khai thực hiện và dễ giám sát, kiểm tra.
Đặc biệt, năm 2023, Quốc hội và HĐND sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với những người do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn.
Bộ Chính trị vừa ban hành Quy định số 96-QĐ/TW ngày 2.2.2023 về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị.
Đây là lần lấy phiếu tín nhiệm duy nhất trong nhiệm kỳ, góp phần đánh giá cán bộ, về uy tín và kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.
Giúp cán bộ “tự soi”, “tự sửa”, tiếp tục phấn đấu, rèn luyện trong công tác; là cơ sở quan trọng để cấp ủy, tổ chức đảng đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ; nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo, quản lý, giám sát cán bộ.
HĐND phải coi việc lấy phiếu tín nhiệm là công tác trọng tâm của nhiệm vụ trọng tâm. Từ đó, xây dựng kế hoạch và các giải pháp khả thi, cụ thể để tiến hành nghiêm túc, tránh hình thức, chiếu lệ.
Đổi mới cơ chế kiểm tra, giám sát hoạt động của các đại biểu HĐND; xử lý nghiêm các trường hợp sa sút về phẩm chất chính trị, vi phạm kỷ luật đảng, vi phạm pháp luật, không còn xứng đáng với sự tin tưởng của cử tri và nhân dân địa phương.
Chủ tịch Quốc hội kỳ vọng, những hạn chế, bất cập đã được hội nghị chỉ ra sẽ được khắc phục một cách tổng thể, đồng bộ. Từ đó có chất lượng hiệu lực, hiệu quả mới, tiếp tục đáp ứng vị trí, vai trò của cơ quan quyền lực nhà nước tại địa phương.