Phát biểu thảo luận đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2018 sáng 25.5, đại biểu của tỉnh Lâm Đồng cho biết hiện cả nước mới chỉ có 3 nhà văn hoá công nhân và chưa thực sự thu hút được công nhân tham gia. Liên quan tới việc xây dựng thiết chế văn hoá cho người lao động, đại biểu cho rằng dù Thủ tướng và các cơ quan của Chính phủ đã quan tâm nhưng có thể thấy hiện nay vẫn tồn tại một nghịch lý.
Đó là sự tăng trưởng kinh tế lợi nhuận của doanh nghiệp và đời sống của công nhân, nhất là đời sống văn hóa tinh thần.
“Đa số công nhân ở các khu công nghiệp là trẻ tuổi chưa lập gia đình. Có những ý kiến nhận xét rằng, nhiều người trong số họ đang trong tình trạng 5 không: không nhà cửa, không gia đình, không tình yêu, không vui chơi giải trí và không thể dục thể thao”, đại biểu này nhận định.
Theo ông Hùng, đời sống vật chất khó khăn, cường độ lao động cao khiến mức thụ hưởng văn hóa của công nhân hầu như không có gì đáng kể. Phần lớn công nhân không được tiếp nhận thường xuyên và đầy đủ thông tin về chính trị xã hội, chính sách và pháp luật, cả những quy định về quyền và lợi ích hợp pháp liên quan đến mình.
Chính vì thế, cho nên tranh chấp và xung đột lao động tăng lên cùng với đó là xu hướng có chiều gia tăng về tệ nạn xã hội ở khu vực này. Mặc dù khi xin giấy phép thì các nhà đầu tư, các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp đều có cam kết đảm bảo đời sống tinh thần cho công nhân nhưng chỉ là hình thức, hầu như không tổ chức gì, ngoài vài cuộc gặp mặt trong năm.
Đại biểu này đề nghị Chính phủ cần rà soát những chính sách hợp lý để tăng cường mạnh hơn nữa, hiệu quả hơn các hoạt động của các tổ chức công đoàn cơ sở, đảm bảo cho công đoàn tại các khu công nghiệp đủ mạnh để có thể đại diện và bảo vệ quyền lợi chính đáng cho công nhân cũng như có những quy định cụ thể và mạnh mẽ hơn nữa nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp các ngành và nhất là chủ sử dụng lao động về tầm quan trọng của việc công nhân được quyền có thời gian để tham gia các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao, được quyền tiếp cận thông tin giải trí, được tổ chức các cuộc sinh hoạt văn hóa văn nghệ, nhằm thỏa mãn các nhu cầu giải trí và hoạt động xã hội.
Đại biểu cho rằng các quyền của người lao động phải được quy định một cách cụ thể, đảm bảo các kế hoạch được thực hiện trên thực tế, có sự kiểm tra giám sát của các cấp các ngành.
Ngoài ra, cũng cần tăng mức lương tối thiểu vùng đủ để đảm bảo mức sống tối thiểu của công nhân, khi lương và thu nhập đủ sống công nhân mới nghĩ đến việc thụ hưởng văn hóa giải trí để tái tạo sức lao động, từ đó tăng cao hiệu quả lao động, công nhân sẽ toàn tâm, toàn ý để phục vụ cho lợi ích của doanh nghiệp và xã hội.
“Điều này có lợi cho người lao động và cho người sử dụng lao động để nhằm phát triển kinh tế xã hội của đất nước nhanh và bền vững, đảm bảo các chỉ tiêu kinh tế đã đề ra trong năm 2018 và những năm tiếp theo”, đại biểu nhận định.