Tách bạch mục tiêu trong từng chính sách
Chiều 30.10, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiếp tục thảo luận về việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các chương trình mục tiêu quốc gia.
Phát biểu ý kiến, đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung (Đoàn Hải Dương) cho rằng, mục tiêu của chính sách giai đoạn 2021–2025 là đồng thời thực hiện mục tiêu của chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, vừa thực hiện mục tiêu của chính sách an sinh xã hội.
Trong khi đó, có nhiều loại hộ nghèo khác nhau với các nguyên nhân nghèo khác nhau: nghèo do không có vốn, không có đất canh tác, do già, ốm đau, tai nạn không có sức lao động, do thiếu kiến thức, kỹ năng lao động, do không chăm chỉ.
Để chính sách thu hút đầu tư vào sản xuất phát huy hiệu quả, đại biểu cho rằng cần tách bạch mục tiêu trong từng chính sách, không nên lồng ghép mục tiêu an sinh xã hội trong chính sách hỗ trợ phát triển.
Chính sách hỗ trợ cần được xây dựng dựa trên quan hệ và các quy luật của thị trường, phù hợp với điều kiện thực tế.
Đại biểu cho rằng, chính sách hỗ trợ phát triển về nâng cao năng suất và hiệu quả kinh tế nên hướng tới các doanh nghiệp, hộ gia đình có năng lực sản xuất. Còn chính sách an sinh xã hội, trợ giúp hộ đói, hộ nghèo hướng tới các đối tượng người già, người yếu thế không có khả năng lao động, người dân tộc vùng sâu, vùng xa.
Theo đại biểu, có như vậy mới phát huy được toàn diện từng chính sách, đáp ứng mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế được tái nghèo, phát sinh nghèo.
Về đối tượng thụ hưởng chính sách, đại biểu cho rằng ở giai đoạn này, cách tiếp cận chính sách của hỗ trợ sản xuất đã có sự thay đổi.
Theo đó, từ chỗ hỗ trợ cho người dân con cá chuyển sang hỗ trợ cần câu. Tuy nhiên, thực tế cho thấy đâu phải ai có cần câu cũng đều biết cách câu. Chính vì thế, trong thời gian qua, các mô hình phát triển sản xuất nông nghiệp, các mô hình kinh tế triển khai ở các địa phương, phần lớn mức chi và tổ chức thực hiện vẫn còn theo cách làm cũ.
Điều này khiến chất lượng cuộc sống người dân chưa được cải thiện, nâng cao một cách thực chất. Đại biểu cho rằng, muốn giảm nghèo bền vững, nguyên tắc cho con cá và cho cần câu phải được cân nhắc áp dụng phù hợp cho từng hoàn cảnh hộ nghèo, từng thời điểm.
Đại biểu cho rằng các chính sách hỗ trợ trực tiếp hiện nay quan trọng nhưng không nên làm đại trà trong một thời gian dài. Chỉ tập trung hỗ trợ cần câu cho những người biết câu, chuyển từ hình thức cho không là chủ yếu sang cho vay.
Đề nghị thu hồi công nhận nông thôn mới với các địa phương nợ tiêu chí
Đại biểu Trần Thị Hoa Ry - Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội - cho rằng, cần phải nhìn nhận lại câu chuyện về lồng ghép nguồn vốn cho phù hợp và toàn diện hơn.
Trong đó, cần phải quan niệm rằng, vốn của chương trình chỉ là nguồn lực mang tính chất dẫn dắt có mục tiêu tập trung vào những vấn đề có trọng tâm trọng điểm đang bức xúc, cần thiết nhất.
Do vậy, cần có khâu xây dựng kế hoạch, thiết kế chương trình phải xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, sự tham gia của người dân. Việc thiết kế không có sự trùng lặp về nội dung chính sách và không có thực trạng trên cùng địa bàn có cùng chương trình nhưng cách thức thực hiện khác nhau.
Phát biểu ý kiến, đại biểu Hoàng Quốc Khánh (Đoàn Lai Châu) nhấn mạnh, giám sát đã chỉ ra công tác giảm nghèo chưa thật sự đạt mục tiêu đa chiều, bền vững, nguy cơ tái nghèo, phát sinh nghèo còn cao.
Một số địa phương khó khăn đã được công nhận nông thôn mới vẫn còn tình trạng nợ tiêu chí, hụt tiêu chí, trong đó có nhiều tiêu chí quan trọng.
Đại biểu đề nghị Chính phủ cần có hướng dẫn cụ thể hơn trong thu hồi quyết định công nhận nông thôn mới với các địa phương được công nhận từ giai đoạn trước nhưng hụt tiêu chí, nợ tiêu chí, không đạt tiêu chuẩn theo quy định hiện nay.
Ngoài ra, cần tập trung giải quyết dứt điểm những khó khăn, bức xúc nhất về đất ở, nhà ở, nước sinh hoạt, quy hoạch sắp xếp ổn định dân cư ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trong năm 2023.