Ngày 16.10, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tổ chức Phiên họp toàn thể lần thứ 2 thẩm tra tình hình thực hiện nhiệm vụ, ngân sách cho khoa học và công nghệ năm 2021, dự kiến nhiệm vụ, ngân sách cho khoa học và công nghệ năm 2022.
Báo cáo tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Lê Xuân Định cho biết, thời gian qua, tiềm lực khoa học và công nghệ (KH&CN) quốc gia tiếp tục được tăng cường; khoa học xã hội đã đóng góp tích cực, cung cấp luận cứ cho việc hoạch định đường lối, chủ trương, cơ chế, chính sách và định hướng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Trong đó, một số lĩnh vực khoa học tự nhiên đạt trình độ tiên tiến của khu vực và thế giới. Việc nghiên cứu, nâng cao năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 được quan tâm triển khai ở các bộ, ngành, địa phương. Nhiều thành tựu khoa học và công nghệ hiện đại được ứng dụng nhanh chóng và rộng rãi trong các lĩnh vực y tế, nông nghiệp, công nghiệp, thông tin, xây dựng.
Ngoài ra, hoạt động xúc tiến hỗ trợ tìm kiếm, trao đổi, chuyển giao công nghệ được đẩy mạnh; hạ tầng nghiên cứu trong một số lĩnh vực trọng điểm như công nghệ sinh học, hóa dầu, vật liệu, tự động hóa, nano, công nghệ tính toán, y học... được tăng cường và những đóng góp quan trọng trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
Cơ chế, chính sách về khoa học và công nghệ (KH&CN) tiếp tục được hoàn thiện, tạo điều kiện ngày càng thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động KH&CN, đưa doanh nghiệp trở thành trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia.
Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho rằng, phải xác định đầu tư cho KH&CN là sẵn sàng chấp nhận rủi ro. Việc hoàn thiện thể chế phải trên cơ sở định hướng tháo gỡ những vấn đề gây cản trở, hạn chế; tạo ra sự chủ động cho KH&CN phát triển nhưng đồng thời cũng phải làm sao để nhà nước có thể quản lý được.
Đề nghị Bộ KH&CN tiếp tục nghiên cứu, xây dựng và ban hành cơ chế hình thành và gắn các chương trình KH&CN với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), dự án trọng điểm của đất nước. Thông qua đó, KH&CN trong nước có điều kiện để phát triển; làm chủ các công nghệ mới, tạo ra được các sản phẩm của Việt Nam với tỉ lệ hàm lượng KH&CN trong nước cao hơn.
Nghiên cứu đổi mới cơ chế quản lý hoạt động KH&CN theo hướng gắn kết chặt chẽ về trách nhiệm và quyền lợi của nhà nghiên cứu và nhà sản xuất. Bên cạnh đó, đề nghị Bộ KH&CN nghiên cứu bổ sung cơ chế chính sách theo hướng đảm bảo quyền lợi cho các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đầu tư đổi mới công nghệ.
Phát biểu kết thúc nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi Trường Lê Quang Huy cho biết, trong tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, khó lường, nhiệm vụ của KH&CN càng đặt ra rất mạnh mẽ, đòi hỏi sự đầu tư cho những tiến bộ KH&CN.
Do vậy, trong thời gian tới cần có những giải pháp khắc phục những hạn chế trong hoạt động KH&CN, phát huy hiệu quả đầu tư, tránh đầu tư dàn trải. Trên cơ sở các ý kiến thảo luận của phiên họp về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi Trường Lê Quang Huy đề nghị Chính phủ, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tiếp thu tối đa để bổ sung, hoàn thiện báo cáo của mình.