Chia sẻ với Báo Lao Động trong buổi tiếp xúc với tổ ĐBQH do Bí thư Thành ủy TPHCM chủ trì diễn ra ở Nhà văn hóa Thiếu nhi Q.2, cử tri Huỳnh Thị Kim Oanh (số nhà 749B, phường An Lợi Đông, Q.2) cho biết, bà sinh ra trên mảnh đất Thủ Thiêm nhưng đến năm 2012, phường và quận quyết định cưỡng chế căn nhà của bà. Khi cưỡng chế không cấp tạm cư cho gia đình bà, sau đó 2 năm mới cấp.
Bà Kim Oanh cho rằng, nhà tạm cư bà đang ở xuống cấp trầm trọng, nên bà yêu cầu chuyển đổi căn hộ tạm cư bằng chung cư để gia đình bà ổn định cuộc sống.
"Lãnh đạo TPHCM nói rằng, người dân Thủ Thiêm được hưởng lợi trực tiếp từ dự án. Song, bản thân gia đình tôi chỉ được đền bù 200.000 đồng/m2. Như vậy, gia đình tôi ở đâu, đi đâu và sống như thế nào với số tiền này", bà Oanh cho hay.
Nêu ý kiến tại hội trường, cử tri Nguyễn Hồng Thái (Q.2) cho rằng nhà mình bị giải tỏa, cưỡng chế trái pháp luật, không có quyết định thu hồi đất. Ông Thái cho biết, ông đã 3 lần dự các cuộc tiếp xúc cử tri về vấn đề Thủ Thiêm, đã hỏi nhiều lần, nhưng chưa lần nào nhận được câu trả lời thỏa đáng.
Cử tri Nguyễn Viết Thịnh (phường Thạnh Mỹ Lợi, Q.2) đề nghị chính quyền TPHCM nhìn thẳng vào sự thật, những sai phạm liên quan quy hoạch KĐTM Thủ Thiêm và đề nghị thanh tra toàn diện tính pháp lý của dự án này.
Tại hội trường, một số cử tri bức xúc về cách hành xử của chính quyền địa phương. Dân không đồng tình với phương án bồi thường thì bị chính quyền cưỡng chế, đập nhà, dân không nhận tiền giải tỏa thì gửi tiền của dân vào ngân hàng. Các cử tri cho rằng, đó là những hành động không đúng mực.
Cử tri Nguyễn Hùng Việt (phường Cát Lái) cho biết, gia đình ông sống trên mảnh đất có lịch sử 100 năm, chấp nhận giao đất cho thành phố với mong muốn TPHCM có diện mạo đô thị mới, xứng tầm với các nước trong khu vực. Song, ông Việt rất buồn vì 6 năm qua, vấn đề bồi thường, giải tỏa cho gia đình ông không được giải quyết thỏa đáng.
“Tôi thấy rất thất vọng. Sự việc cứ đá lên đá xuống không giải quyết dù ĐBQH Phan Nguyễn Như Khuê chuyển đơn rất nhiều lần”, ông Việt nói.