Cùng dự có Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2022, tổng số vốn ngân sách nhà nước (NSNN) các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã phân bổ, giao kế hoạch chi tiết cho các nhiệm vụ, dự án là 551.378,271 tỉ đồng, đạt 95,1% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (vốn trong nước đạt 94,8% kế hoạch, vốn nước ngoài đạt 99,9% kế hoạch).
Số vốn NSNN còn lại chưa phân bổ là 28.668,563 tỉ đồng (bằng 4,9% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao), chủ yếu là vốn cân đối ngân sách địa phương (NSĐP).
Ước giải ngân kế hoạch đầu tư vốn NSNN đến ngày 31.1.2023 là 541.857,52 tỉ đồng, đạt xấp xỉ 93,5% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, cao hơn số liệu đã báo cáo tại phiên họp Chính phủ tháng 1.2023 do đã cập nhật số liệu của các tỉnh: Hà Tĩnh, Hòa Bình; thấp hơn cùng kỳ năm 2021 (cùng kỳ năm 2021 đạt 95,11%) và một số năm gần đây nhưng là năm có số tuyệt đối giải ngân cao nhất so với các năm trước đây, tăng khoảng 23,5% (khoảng 103 nghìn tỉ đồng) so với năm 2021.
Trong đó có 8 bộ, cơ quan trung ương và 30 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt 100% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao và 40/51 bộ, cơ quan trung ương và 24/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới mức trung bình của cả nước (93,42%).
Về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, báo cáo cho biết, giải ngân các chính sách hỗ trợ đến tháng 1 ước đạt 80,8 nghìn tỉ đồng. Trong đó, cho vay thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội đạt 16.036 tỉ đồng, hỗ trợ lãi suất 878 tỉ đồng; hỗ trợ tiền thuê nhà đạt 3.744 tỉ đồng; hỗ trợ 2% lãi suất đạt hơn 134 tỉ đồng; giảm thuế, phí, lệ phí 52.623 tỉ đồng, hỗ trợ chi phí cơ hội thông qua gia hạn thời gian nộp thuế, tiền thuê đất là 7,4 nghìn tỉ đồng.
Còn 14.151 tỉ đồng kế hoạch vốn của Chương trình chưa được Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội; trường hợp không giao kế hoạch trước ngày 31.3 sẽ không được tiếp tục thực hiện.
Các bộ, cơ quan trung ương và địa phương thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 10/NQ-CP của Chính phủ. Trong đó:
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam báo cáo Chính phủ về việc sửa đổi quy định tại Nghị định số 31/2022/NĐ-CP theo hướng đơn giản hóa quy trình, thủ tục, điều kiện cho vay, tạo điều kiện đẩy mạnh triển khai, hỗ trợ doanh nghiệp tiết giảm chi phí vay; dự kiến khả năng thực hiện, số tiền có thể giải ngân đến hết thời hạn của Chương trình, số tiền còn lại không sử dụng hết, đề xuất phương án xử lý.
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội báo cáo Chính phủ về cụ thể số tiền còn dư sau khi thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, đề xuất phương án xử lý.
Đối với việc phân bổ số vốn 14.151 tỉ đồng còn lại chưa được Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến:
Bộ Tài chính, Bộ Y tế các bộ liên quan sớm có ý kiến đối với danh mục các dự án đã hoàn thiện thủ tục đầu tư của các bộ, địa phương tại văn bản số 857/BKHĐT-TH ngày 9.2.2022 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Bộ Y tế và 12 địa phương liên quan khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư của các dự án theo đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại văn bản số 856/BKHĐT-TH ngày 9.2.2022, sớm gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong tháng 02 năm 2023 để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Các bộ, địa phương chịu trách nhiệm toàn diện trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong trường hợp hoàn thiện thủ tục đầu tư không đúng thời hạn nêu trên.
Đối với số vốn 3.332 tỉ đồng, đề nghị Bộ Giao thông vận tải và các địa phương liên quan khẩn trương hoàn thiện chủ trương đầu tư của các dự án sau khi được Thủ tướng Chính phủ thông báo dự kiến kế hoạch vốn gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 28.2.2022.