Chỗ dựa cho người lao động gắn bó hơn với công việc
Ngày 29.8, cho ý kiến về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), đại biểu Trần Văn Tuấn (đoàn Bắc Giang) nêu rõ, quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam làm chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân hoàn toàn có cơ sở, góp phần giải quyết hiệu quả vấn đề nhà ở, nâng cao đời sống cho người lao động.
Theo đại biểu, quy định nêu trên phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, đồng thời nâng cao vị trí, vai trò của công đoàn trong việc chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của người lao động, theo quy định của Hiến pháp và Luật Công đoàn.
Đại biểu Tuấn nhấn mạnh, một trong những vấn đề hàng đầu được công nhân, người lao động quan tâm hiện nay là nhà ở.
“Vấn đề nhà ở kéo theo một loạt các vấn đề xã hội khác, gây ảnh hưởng đến an ninh, an toàn, bảo vệ môi trường sống, chăm sóc trẻ em, bảo đảm sức khỏe… Nhà ở vẫn là mong ước của rất nhiều người lao động. Nếu giải quyết tốt, sẽ tạo an tâm cho người lao động để họ gắn bó hơn với công việc”, đại biểu nói.
Đại biểu đoàn Bắc Giang cho rằng, trong điều kiện cần huy động nguồn lực cho phát triển nhà ở xã hội, không nên bỏ qua một chủ thể như Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
Việc để Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam làm chủ đầu tư nhà ở xã hội sẽ giúp đa dạng hóa, thu hút nhiều chủ thể, nhiều nguồn lực chung tay giải quyết vấn đề cấp bách này, cùng chăm lo cho đời sống của người lao động, qua đó giúp Tổng Liên đoàn hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ, sứ mệnh của mình.
Theo đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (đoàn Lạng Sơn), ở nước ta, Công đoàn là chủ thể đặc biệt vừa là tổ chức đại diện người lao động, vừa là tổ chức chính trị - xã hội.
Do vậy, đại biểu đề nghị giữ quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là một trong các chủ thể đầu tư xây dựng nhà lưu trú cho công nhân và coi đây là trách nhiệm của Công đoàn.
“Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có thể thành lập pháp nhân phi lợi nhuận để đầu tư, quản lý hệ thống nhà lưu trú công nhân. Nhà lưu trú chỉ cho thuê với giá ưu đãi cho đối tượng là thành viên công đoàn đang có quan hệ lao động với những tiêu chuẩn, điều kiện cụ thể”, đại biểu Nghĩa đề xuất.
Mục đích nhân văn, thúc đẩy việc phát triển nhà ở xã hội
Quan tâm tới việc giao Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam được tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho đoàn viên công đoàn thuê, đại biểu Trần Văn Khải (đoàn Hà Nam) chia sẻ với băn khoăn của các đại biểu về vấn đề này.
Đại biểu Trần Văn Khải cho rằng, bức xúc nhất của công nhân lao động là vấn đề nhà ở, nhiều công nhân ở khu công nghiệp đang phải chịu cảnh 5 không: Không nhà ở, không nhà trẻ, không công trình giáo dục, y tế, không có điều kiện để sinh hoạt.
Việc triển khai nhà ở cho công nhân của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã được triển khai từ năm 2017. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án xây dựng các thiết chế công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất theo đề án của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, tuy nhiên quá trình triển khai còn vướng nhiều vấn đề pháp lý.
Do đó, đại biểu Trần Văn Khải đề nghị giao cho Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam được tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho đoàn viên công đoàn.
Còn đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương) nêu rõ, việc trao quyền cho Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam làm chủ đầu tư nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân là quy định có mục đích nhân văn.
Điều này góp phần tháo gỡ thực trạng việc phát triển nhà ở xã hội chưa thực sự hiệu quả, chưa thu hút được các nguồn đầu tư, chưa đáp ứng nhu cầu của người dân trong giai đoạn hiện nay.
Theo bà Nga, đối tượng thụ hưởng của các chính sách về nhà ở xã hội là người lao động có thu nhập thấp. Với chức năng chăm lo, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người lao động, việc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam làm chủ đầu tư nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân là tương đối phù hợp.
Mặt khác, Tổng Liên đoàn Lao động có lợi thế trong việc điều tra, khảo sát, nắm bắt nhu cầu về nhà ở xã hội cho công nhân, do có hệ thống Công đoàn từ Trung ương xuống cơ sở. Điều này giúp ích trong việc đầu tư đúng trọng tâm, trọng điểm, nâng cao hiệu quả đầu tư.
Báo cáo cuối phiên thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, đã có 13 ý kiến đại biểu quan tâm về nội dung quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư nhà ở xã hội.
Trong đó, có 9/13 ý kiến đồng ý, ủng hộ Tổng Liên đoàn Lao động là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội cho công nhân. Như vậy, đa số ý kiến đồng ý theo phương án tán thành. Thường trực Ủy ban Pháp luật sẽ tiếp thu toàn bộ ý kiến, hoàn thiện quy định để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sau đó trình Quốc hội.