Tại buổi họp báo, thừa ủy quyền của Chủ tịch Nước, ông Giang Sơn, Phó Chủ nhiệm Thường trực Văn phòng Chủ tịch Nước công bố Lệnh của Chủ tịch Nước về việc công bố 6 luật gồm: Luật Lâm nghiệp; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài; Luật Thủy sản; Luật Quản lý nợ công; Luật Quy hoạch.
Trong đó, đáng chú ý là Luật Quy hoạch với 6 chương 59 điều. Điều 5 Luật Quy hoạch quy định Hệ thống quy hoạch quốc gia.
1. Quy hoạch cấp quốc gia. Quy hoạch cấp quốc gia bao gồm quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia.
2. Quy hoạch vùng.
3. Quy hoạch tỉnh.
4. Quy hoạch đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt. Quy hoạch đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt do Quốc hội quy định.
5. Quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn.
Điều 7 của Luật này cũng quy định rõ về trình tự trong hoạt động quy hoạch.
1. Lập quy hoạch: a. Lập, thẩm định và phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch; b. Tổ chức lập quy hoạch.
2. Thẩm định quy hoạch.
3. Quyết định hoặc phê duyệt quy hoạch.
4. Công bố quy hoạch.
5. Thực hiện quy hoạch.
Điều 8 của Luật này cũng quy định cụ thể thời kỳ quy hoạch.
1. Thời kỳ quy hoạch là khoảng thời gian được xác định để làm cơ sở dự báo, tính toán các chỉ tiêu kinh tế - xã hội cho việc lập quy hoach.
2. Thời kỳ quy hoạch của các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia là 10 năm. Tầm nhìn của quy hoạch cấp quốc gia là từ 30 năm đến 50 năm. Tầm nhìn của quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh là từ 20 năm đến 30 năm.
Luật Quy hoạch sẽ có hiệu lực từ ngày 1.1.2019. Riêng các quy định của Luật này về lập, thẩm định quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh có hiệu lực thi hành từ ngày 1.3.2018. Chính phủ bảo đảm kinh phí lập, thẩm định quy hoạch quy định tại khoản này theo quy định của pháp luật về đầu tư công và pháp luật về ngân sách nhà nước.