Đắt đỏ nhất ở Anh
Đây là câu chuyện quen thuộc ở Vương quốc Anh - nơi có một số chi phí chăm sóc trẻ em cao nhất ở châu Âu, theo Euronews.
“Giống như nhiều bậc cha mẹ, tôi đã phải ghép các mảnh ghép chăm sóc con lại với nhau để mọi thứ vận hành hiệu quả. Con trai tôi ở với bên ông bà này 2 ngày trong tuần và ở với ông bà khác 1 ngày trong tuần. Con tôi ở nhà trẻ chỉ 2 ngày một tuần. Và sau đó, tình trạng của các ông bà thay đổi do sức khỏe kém. Tôi đối mặt với việc phải đưa con tới nhà trẻ 5 ngày một tuần. Chi phí cho việc đó là 1.200 bảng (1.356 Euro) một tháng. Sau thuế, tôi kiếm được khoảng 1.700 bảng (1.921 Euro) mỗi tháng" - Ronan nói với Euronews.
Cuộc khảo sát mới nhất do tổ chức từ thiện Pregnant The Screwed thực hiện nhận thấy, việc chăm sóc trẻ em ở Anh có thể tiêu tốn tới 75% thu nhập của cha mẹ.
Năm 2022, Vương quốc Anh trở thành quốc gia có chi phí chăm sóc trẻ em đắt đỏ nhất trong số các nước phát triển, khiến hàng nghìn người tại các thành phố trên khắp đất nước tham gia cuộc biểu tình mang tên “Cuộc tuần hành của những xác ướp” vào tháng 10.
“Dường như chi phí chăm sóc trẻ em sẽ tăng thêm ít nhất 10% nữa trong tháng 4 năm nay" - Joeli Brearley, nhà sáng lập Pregnant The Screwed, nhận định.
"Trung bình, chi phí cho một nơi chăm sóc trẻ em là 14.000 bảng (15.815 Euro) một năm và chúng tôi dự kiến con số đó sẽ tăng thêm 1.000 bảng (1.130 Euro) một năm" - bà nói thêm.
Theo Euronews, cứ 3 phụ huynh tham gia khảo sát thì có 1 người tiết lộ rằng, họ phải dựa vào một số hình thức vay nợ để trang trải chi phí chăm sóc con cái.
Trong bối cảnh Anh đang xảy ra cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt khiến khó mua các nhu yếu phẩm cơ bản như thực phẩm, chi phí chăm sóc trẻ em cao đang làm trầm trọng thêm sự bất bình đẳng kinh tế xã hội và tác động không tương xứng đến phụ nữ, buộc họ phải giảm số giờ làm việc hoặc hoàn toàn rời khỏi lực lượng lao động. Ước tính có khoảng 1,7 triệu phụ nữ ở Anh đang làm việc ít giờ hơn so với bình thường do chi phí chăm sóc con cái không tương xứng, theo Centre for Progressive Policy.
Ở Anh, dù chính phủ đã đầu tư 4 tỉ bảng Anh (4,52 tỉ Euro) vào dịch vụ chăm sóc trẻ em mỗi năm trong 5 năm qua, thông qua 8 chương trình hỗ trợ khác nhau nhưng Anh vẫn là nơi có chi phí chăm sóc trẻ cao nhất. “Các loại hỗ trợ hiện có thực sự không đáp ứng được nhu cầu của các gia đình nữa" - Sarah Ronan chia sẻ.
Chi phí thấp nhưng chưa hoàn hảo
Trên khắp các nước EU, có tới 90% trẻ em từ 3 đến 5 tuổi và 1/3 trẻ em dưới 3 tuổi đến các trung tâm chăm sóc trẻ em chính thức. Tuy nhiên, chi phí chăm sóc trẻ em rất khác nhau trên khắp châu Âu. Dữ liệu từ OECD chỉ ra, chi phí chăm sóc trẻ em dao động từ dưới 5% ở Đức và Áo đến gần 52% thu nhập trung bình của phụ nữ như Vương quốc Anh.
Ở hầu hết các nước châu Âu, các bậc cha mẹ có thể hưởng lợi từ việc chăm sóc trẻ được trợ cấp cao giúp giảm gánh nặng tài chính cho họ.
Ví dụ, ở Hà Lan, chi phí chăm sóc con có thể lên tới 80% thu nhập trung bình của phụ nữ bởi hầu hết là các nhà cung cấp dịch vụ tư nhân. Tuy nhiên, sau khi chính phủ cung cấp các khoản trợ cấp chăm sóc trẻ em, các bậc cha mẹ có thu nhập thấp ở Hà Lan cuối cùng chỉ phải trả 5%. Trên thực tế, chính phủ Hà Lan đang lên kế hoạch chi trả 95% chi phí chăm sóc trẻ em cho tất cả các bậc cha mẹ đang đi làm vào năm 2025.
Ở những quốc gia như Đức, chi phí chăm sóc trẻ em trung bình hàng năm chỉ là 1.310 Euro. Từ năm 2013, trẻ em trên 12 tháng tuổi ở Đức được quyền hợp pháp tới các trung tâm chăm sóc ban ngày tên Kitas thông qua chính quyền địa phương. Kitas thường tính phí 70 đến 150 Euro mỗi tháng, nhưng chi phí sau đó được nhà nước trợ cấp.
Tuy nhiên, dù đáng ghen tị với các quốc gia như Vương quốc Anh, mô hình chăm sóc trẻ em ở Đức vẫn chưa hoàn hảo. Ở nhiều nơi, Kitas thiếu nhân lực với hàng dài trẻ em chờ được gửi ở đây, đặc biệt là trẻ em dưới 3 tuổi. Trong cuộc khảo sát do Viện Thanh niên Đức thực hiện năm 2020, 49% phụ huynh có con dưới 3 tuổi cho biết họ cần Kita nhưng chỉ 24% cơ sở có thể đảm bảo số giờ họ cần.