Tương đồng với đề thi chính thức năm 2022
Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố đề tham khảo Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022. Đây sẽ là dữ liệu quan trọng để giáo viên, học sinh kiểm tra kiến thức và điều chỉnh việc dạy, học phù hợp. Trong đó, đề thi các môn được đánh giá ở mức độ tương đương so với kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021, có nhiều tương đồng và không khó hơn so với đề thi năm 2021.
Phân tích cụ thể đề tham khảo môn Toán, thầy giáo Nguyễn Công Chính - giáo viên Tuyensinh247.com cho biết, học sinh dễ dàng giải quyết 35-40 câu đầu. Những câu khó hơn nằm ở phía sau, từ câu 41 đến câu 50, đặc biệt những câu vận dụng cao là từ 44-50. Có nhiều câu có thể nhìn đề và chọn được đáp luôn. Với đề thi này, phổ điểm chủ yếu sẽ là tầm 8 điểm, tương đương và có thể cao hơn so với năm 2021. Học sinh giỏi hoàn toàn có thể đạt 9-10 điểm.
Ở môn Sinh học, thầy Nguyễn Đức Hải cho rằng, cấu trúc không có nhiều thay đổi, kiến thức nằm trong chương trình lớp 11 (chiếm 10%) và 12 (chiếm 90%). Mức điểm dễ đạt được được với về minh họa trong khoảng 7-8 điểm.
Trong khi đó, thầy Phạm Thanh Tùng dạy môn Hoá học nhận định, đề tham khảo môn Hóa năm 2022 được đánh giá là nhẹ nhàng hơn so với đề thi năm trước. Đề phù hợp với mức độ xét tốt nghiệp và có sự phân hóa nhẹ ở phổ điểm 8,5+. Kiến thức các câu chủ yếu nằm ở chương trình hóa học 12 và có một vài câu hỏi nằm ở chương trình hóa học 11. Các nội dung tinh giản không xuất hiện. Đề thi có sự phân hóa rõ rệt hơn ở 12 câu hỏi cuối.
Ở Tiếng Anh, phân tích của cô giáo Hoàng Xuân cho rằng, kiến thức nằm trong chương trình sách giao khoa, các đơn vị kiến thức và dạng bài quen thuộc. Mức điểm dễ đạt được được với đề tham khảo là 7-8 điểm.
Cô Phạm Thị Thu Phương - Giáo viên môn Ngữ Văn nhận định, đề tham khảo vừa ban hành giữ nguyên cấu trúc của đề thi tốt nghiệp THPT môn Ngữ Văn năm học 2020-2021. Học sinh trung bình nắm chắc kiến thức cơ bản có thể đạt được điểm 5-6 điểm, đủ đảm bảo để xét tốt nghiệp, học sinh khá có thể đạt được trên dưới điểm 7, học sinh giỏi có thể đạt được điểm 8 trở lên.
Xuất hiện câu hỏi lạ, khó
Ở môn Vật lý, dự kiến phổ điểm chủ yếu sẽ tầm từ 6 điểm nhưng điểm trên 9 vẫn sẽ ít, còn điểm 10 thì chắc chắn vẫn rất rất hạn chế. Thầy Phạm Quốc Toản cũng chỉ ra một số điểm mới khiến học sinh trung bình lầm tưởng đề rất khó như: Nhiều câu trắc nghiệm định tính (lý thuyết): 23 câu đầu, có câu vận dụng cao kết hợp kiến thức Vật lí 11 và 12 (câu 36). Học sinh sẽ cảm thấy khó vì kiểu bài lạ. Ngoài ra, có một số câu nặng về mặt toán học (câu 38, 39).
Theo tổ Xã hội - Hệ thống giáo dục HOCMAI, môn Lịch sử có 20% câu hỏi thuộc phần vận dụng - vận dụng cao, rải đều ở các chuyên đề lịch sử Việt Nam từ 1919 đến 1975, không có câu hỏi thuộc phần lịch sử thế giới. Những câu hỏi chủ yếu xoay quanh dạng bài liên chuyên đề, liên hệ kiến thức lịch sử thế giới - lịch sử Việt Nam hoặc nhận xét, tổng kết cả giai đoạn lịch sử để tìm ra điểm đặc trưng. Đặc biệt, câu 37, 38, 39 là những câu hỏi liên chuyên đề, yêu cầu học sinh tổng hợp kiến thức.
Tuy đã xuất hiện câu tổng hợp kiến thức nhưng theo thầy Hồ Như Hiển công tác tại Tuyensinh247.com thì đều thi đã giảm độ khó ở các câu từ 30 trở đi. Đáp án khá dễ, độ phân hóa học sinh chưa cao, phù hợp cho mục tiêu xét tốt nghiệp THPT.
Với môn Giáo dục Công dân - môn mà những năm gần đây luôn có điểm trung bình cao nhất, có 25% câu hỏi thuộc mức độ vận dụng và vận dụng cao rải đều ở các chuyên đề lớp 12, đây là những câu hỏi liên hệ thực tế, dạng bài không có điểm mới so với đề thi tốt nghiệp THPT 2021. Đề tham khảo cũng xuất hiện có một số câu hỏi mang tính thời sự như vấn đề dịch bệnh COVID-19, (câu 118), vấn đề đưa người nước ngoài nhập cảnh trái phép (câu 116 )...
Đặc biệt, theo tổ Xã hội - Hệ thống giáo dục HOCMAI có các câu hỏi cực khó ở các câu 112, 113, 114, 116. Đây là những câu hỏi tình huống phức tạp, nhiều tình tiết, nhiều nhân vật, yêu cầu kết hợp nhiều kiến thức, độ nhiễu cao. Học sinh phải nắm chắc kiến thức lý thuyết và phân tích từng chi tiết của tình huống để tìm ra câu trả lời.
Trong khi đề thi đang được ra theo hướng phù hợp với mục tiêu xét tốt nghiệp THPT và với diễn biến của dịch bệnh COVID-19 kéo dài hơn 2 năm qua thì nhiều trường đại học vẫn mong muốn tăng độ phân hoá, câu hỏi khó để thuận lợi trong xét tuyển.
Tại hội nghị tuyển sinh năm 2022 do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức mới đây, PGS Nguyễn Ngọc Khôi - Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Y Dược TPHCM nêu mong muốn Bộ GDĐT ra đề thi theo hướng tăng tính phân hóa, tức số lượng các câu hỏi khó chiếm tỉ lệ nhiều hơn, để các trường top trên vẫn có thể tận dụng kỳ thi này khi tuyển đầu vào.
Theo ông Khôi, trong bối cảnh tự chủ tuyển sinh, các trường có thể đưa ra nhiều phương thức xét tuyển, hoặc tổ chức kỳ thi riêng. Tuy nhiên trong hoàn cảnh đặc biệt như ảnh hưởng của COVID-19 ba năm gần đây, việc tự tổ chức các kỳ thi riêng gây khó khăn cho cả nhà trường và thí sinh. Vì vậy, nhiều trường đại học vẫn trông cậy vào kỳ thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển.
Đồng quan điểm, GS Nguyễn Đình Đức - Trưởng ban Đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội cũng cho hay, các trường đại học rất muốn nâng cao chất lượng đề thi tốt nghiệp THPT để tạo tính phân hoá tốt hơn.