Dọn rác văn hoá trên không gian mạng

Ngọc Dủ |

“Rác văn hóa” - cụm từ không mới nhưng chưa bao giờ là chuyện cũ trên mạng xã hội. Đặc biệt, thời gian vừa qua, chuyện về các Tiktoker làm clip câu view bất chấp khiến không ít người ngao ngán vì nó ảnh hưởng không nhỏ đến người trẻ.

Trào lưu làm nội dung độc hại

Có thể nói, sau những trào lưu phản cảm tràn lan trên YouTube như giang hồ mạng, nấu cháo gà cả lông, thả dao từ trên cao xuống... thời gian gần đây Tiktok lại nổi lên hiện trang các Tiktoker câu view bằng những sản phẩm độc hại, không mang lại giá trị nào cho cộng đồng.

Cách đây không bao lâu, một loạt nội dung phản cảm bị cộng đồng mạng phản ứng gay gắt như: Tự do nhảy múa trong khu vực sân đỗ máy bay; thản nhiên ngồi lên băng chuyền hành lý tại sân bay; phát ngôn sốc... để "câu view" tạo nên một trào lưu phản cảm.

Mới đây, rộ lên thêm những clip mang tính miệt thị người khác, trong đó một Tiktoker làm từ thiện nhưng lại dùng nhiều từ ngữ kém văn hoá để nói về một người lớn tuổi nghèo khó. Trước đó, một Tiktoker khác lại dùng nhiều ngôn từ miệt thị người miền Trung gây bức xúc dư luận.

So với các nền tảng xã hội như Facebook, YouTube, mỗi video clip trên nền tảng Tiktok có sự lan truyền mạnh mẽ hơn. Bởi nền tảng này đa phần đều là những người trẻ sử dụng.

Một công thức thường thấy của các Tiktoker sử dụng chính là sự nổi tiếng đi kèm chiêu trò và chấp nhận "gạch đá", thị phi. Đáng nói, một số Tiktoker nổi lên bằng những video phản cảm sau này còn được săn đón như ngôi sao trên thảm đỏ của các sự kiện nghệ thuật như show thời trang, buổi công chiếu phim.

Từng có một số Tiktoker lấn sân sang thi hoa hậu, làm diễn viên, KOls... sau những ồn ào trên mạng xã hội.

Điều này tạo nên “rác văn hóa” trôi nổi tràn lan trên mạng xã hội có thể làm ảnh hưởng đến tư tưởng của nhiều người trẻ rằng: Chỉ cần chiêu trò để nổi tiếng thì ắt sẽ thành công.

Nỗi lo người trẻ bị ảnh hưởng

Ở Việt Nam, lượng người dùng Tiktok, đặc biệt là người trẻ ngày một tăng cao. Với sự phát triển mạnh mẽ như vậy, trẻ em rất có thể bị rơi vào “ma trận” của những video không được sàng lọc. Bất kỳ ai cũng có thể tải ứng dụng Tiktok nếu có những chiếc điện thoại thông minh, thậm chí dễ dàng trở thành một Tiktoker với hàng trăm ngàn lượt theo dõi.

Nhìn qua một lượt tài khoản trên Tiktok, người dùng không khó để thấy những clip nói về "chuyện người lớn", những clip cố tình khoe những điểm nhạy cảm trên cơ thể, nhảy những điệu khêu gợi. Điều đặc biệt, người thực hiện còn là những bạn trẻ còn ngồi trên ghế nhà trường.

Điều này xảy ra từ việc nhiều người trẻ dưới 18 tuổi đang học hỏi theo những clip Tiktok câu view phản cảm.

Một điều nguy hiểm hơn là nhan nhản các video thách thức người chơi như: Thách ăn với lượng thức ăn lớn, ăn những món độc lạ có thể ảnh hưởng sức khoẻ hay ném những đồ vật doạ người khác.

Trước những “ma trận” video mà Tiktok bày ra rất dễ trẻ em có thể tiếp cận được, khi ấy hậu quả thực sự là khôn lường. Theo báo cáo tại Việt Nam người dùng Tiktok chủ yếu là học sinh, sinh viên từ 13 - 24 tuổi. Chính vì vậy, rác văn hoá trên Tiktok khiến người ảnh hưởng nghiêm trọng đầu tiên chắc chắc là giới trẻ, đặc biệt là trẻ vị thành niên.

Không thể phủ nhận rằng Tiktok mang đến nhiều lợi ích như tính giải trí cao, cập nhật tin tức xã hội, xu hướng nhanh. Tuy nhiên đối với trẻ em thì cần phải xem xét lại, cần phải cho trẻ hiểu và phân biệt được đâu là nội dung phù hợp. Đây là việc làm không hề dễ dàng đối của cha mẹ và cả Tiktok.

Lo ngại nội dung bẩn lan rộng

Nhiều Tiktoker có lượt theo dõi cao, được nhiều người biết đến lại sinh ra thói ảo tưởng, cho rằng tiếng nói của mình sẽ tác động mạnh đến xã hội. Chính vì thế, kéo theo loạt vụ ồn ào về chuyện Tiktoker hạ bệ người khác thông qua các clip review nhà hàng, quán ăn...

Ngoài ra, nhiều chuyện ồn ào, đấu tố nhau cũng đưa lên mạng xã hội để tạo hiệu ứng nhằm tăng lượt tương tác.

Đáng nói hơn, các Tiktoker này lại đang có xu hướng lấn sân sang showbiz. Điển hình, mới đây nhất có trường hợp của Lê Bống - cô lọt vào top 10 chung cuộc của Hoa hậu Thể thao Việt Nam tạo nên tranh cãi, vì trước đó cô từng vướng nhiều lùm xùm như tạo dáng phản cảm trên chùa, gài điện thoại ở cửa sổ để quay cảnh máy bay cất cánh đã khiến Cục Hàng không phải lên tiếng cảnh báo vì hành vi thiếu ý thức... Điều này càng khiến công chúng đặt ra câu hỏi liệu các nhà sản xuất, ban tổ chức có đang "tận dụng" sức ảnh hưởng của loạt Tiktoker này để tạo hiệu ứng cho các cuộc thi hay không?

Một Tiktoker khác có tên Thanh Tâm cũng tai tiếng với những phát ngôn gây sốc và cả những hoạt động PR cho game cờ bạc trá hình, ồn ào lộ clip nóng, ảnh nhạy cảm... Bất chấp tai tiếng, thị phi, Trần Thanh Tâm vẫn đăng ký dự thi The Face Vietnam và lọt vào chung kết Hoa hậu Thể thao Việt Nam 2022. Chưa kể, Thanh Tâm còn lấn sân sang làm MC truyền hình. Điều gây sốc nhất là cô còn thông báo đại điện Việt Nam tham gia một cuộc thi nhan sắc quốc tế sắp diễn ra.

Trước đó, hàng loạt Tiktoker tai tiếng như Đạt Villa cũng “đổi nghề” bằng cách thử sức với âm nhạc, ra MV...

Sự “tràn ngập” của các Tiktoker dễ thấy nhất ở các show truyền hình và thảm đỏ sự kiện ra mắt phim, giới thiệu MV. Tại sự kiện công chiếu phim “Vô diện sát nhân” cách đây không bao lâu có sự tham gia của hàng loạt Tiktoker, trong số đó có không ít người tai tiếng, không có chuyên môn về điện ảnh. Chưa kể nhiều hot Tiktoker chỉ đến check-in ở thảm đỏ rồi bỏ về trống ghế trong rạp chính rất nhiều. Thậm chí, ở một sự kiện văn hóa khác, một hot Tiktoker còn vô tư nhún nhảy, hú hét trên thảm đỏ khiến nghệ sĩ tham dự chỉ biết ngán ngẩm lắc đầu.

Thực tế vẫn không thiếu những hot Tiktoker có thực tài và việc họ tham gia showbiz, theo đuổi con đường nghệ thuật rất cần được công chúng ủng hộ. Tuy nhiên, dường như một số Tiktoker cho rằng việc nổi tiếng bằng tai tiếng sẽ là bước đi tắt hơn trên con đường lấn sân sang showbiz.

Nhiều người cho rằng, Tiktoker muốn lấn sân sâu vào trong các lĩnh vực xã hội nói chung và nghệ thuật nói riêng cũng cần phải được đào tạo bài bản hoặc không ngừng nâng cao năng lực bản thân trong lĩnh vực mà mình đang lấn sân, chứ không thể đi lên bằng chiêu trò.

Bởi không chỉ tạo nên những "rác văn hoá" trên môi trường mạng Tiktok, có nguy cơ các Tiktoker làm nội dung bẩn đang xâm chiếm nhiều lĩnh vực khác trên sóng truyền hình dễ tạo nên những ảnh hưởng tiêu cực lan rộng.

Theo tiến sĩ văn hoá Hoàng Long nhận định: "Những người sử dụng mạng xã hội như Tiktok, YouTube... phần lớn là người trẻ, những người mà bản thân cũng chưa định hướng được giá trị văn hóa, hiểu biết còn non cạn. Chính vì thế, dựa vào tâm lý non nớt này của những người trẻ, nhiều Tiktoker đánh vào sự tò mò, họ sẽ làm những clip mang tính chất tranh cãi để thu hút nhiều người xem. Sau đó, dựa vào sức hút, sự nổi tiếng của mình để kiếm tiền.

Vậy nên, cần bài trừ những nội dung bẩn, "rác văn hoá" bằng những chế tài cụ thể. Trong đó, cơ quan văn hóa cần những hình thức xử phạt nghiêm khắc các vi phạm, để Tiktoker không lạm dụng chiêu trò, sản xuất gây ảnh hưởng tiêu cực.

Ngoài ra, các bậc phụ huynh cần giám sát chặt chẽ việc con cái mình sử dụng ứng dụng này và có định hướng cho con xem những thứ vui vẻ, hữu ích hơn, tạo môi trường sạch trên không gian mạng”.

Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông gửi các đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, thời gian qua bộ này chỉ đạo các đơn vị chức năng kiên trì triển khai đấu tranh quyết liệt, buộc các nền tảng xuyên biên giới, điển hình là Facebook, Google, Tiktok, Apple, Netflix phải thực hiện ngăn chặn, gỡ bỏ những nội dung xấu độc, tin giả, tin sai sự thật, quảng cáo sai, phản cảm. Cụ thể tính từ năm 2018 đến 21.9.2022, Facebook gỡ 311 tài khoản giả mạo, 12.638 bài viết sai sự thật, bôi nhọ uy tín các tổ chức, cá nhân, thương hiệu. Tỉ lệ xử lý theo đề nghị từ cơ quan quản lý chuyên ngành từ đầu năm 2022 đến nay đạt 90%. Tiktok thực hiện ngăn chặn, gỡ bỏ 1.445 link vi phạm, trong đó có 5 tài khoản có nội dung xấu độc; ngoài ra, TikTok cũng chủ động rà quét, ngăn chặn 3.568 video có nội dung xấu độc trên nền tảng của mình. Tỉ lệ xử lý theo đề nghị của cơ quan quản lý nhà nước đạt 91%.

Ngọc Dủ
TIN LIÊN QUAN

Cái giá của sự nổi tiếng dành cho các Tiktoker làm nội dung câu view là gì?

ĐÔNG DU |

Đằng sau những lượt xem, mức độ nổi tiếng, không ít Tiktoker phải trả một cái giá đắt. Đó cũng là bài học cho những người sáng tạo nội dung theo con đường bất chấp câu view phản cảm.

Tiktoker Nờ Ô Nô bị phạt 7,5 triệu đồng sau clip miệt thị người nghèo

DI PY |

TPHCM - Chiều 29.11, ông Nguyễn Đức Thọ, Chánh Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM cho biết, đơn vị đã ra quyết định xử phạt Phạm Đức Tuấn, 26 tuổi, chủ tài khoản Tiktok Nờ Ô Nô sau khi đăng clip miệt thị người nghèo.

Từ vụ tiktoker Nờ ô nô: Giới trẻ phản ứng ra sao với nội dung bẩn?

Linh chi - Dương Anh |

Những video với nội dung gây bức xúc như video của tiktoker Nờ ô nô không phải là hiếm trên mạng xã hội. Tuy nhiên, thay vì dễ dãi, nhiều người trẻ đã chọn cách tiếp cận thông tin có chọn lọc và không "tiếp tay" để những người thực hiện nội dung tiêu cực đạt được mục đích.

Cập nhật kiến thức mới cho cán bộ Công đoàn chủ chốt

Bảo Hân |

Sáng 1.10, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khai giảng lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng dành cho Công đoàn cấp tỉnh, ngành Trung ương.

Sai phạm ở dự án Ba Hồ - Bản Chùa, 13 cá nhân bị kiểm điểm

HƯNG THƠ |

QUẢNG TRỊ - Liên quan đến những sai phạm nghiêm trọng ở dự án Ba Hồ - Bản Chùa, 13 cá nhân liên quan và tập thể bước đầu đã bị kiểm điểm trách nhiệm.

Sẽ chi 865 tỉ đồng xây cầu Phong Châu mới

Xuyên Đông |

Theo thông tin từ Văn phòng Chính phủ, cầu Phong Châu (tỉnh Phú Thọ) sẽ được đầu tư xây mới với kinh phí dự kiến là 865 tỉ đồng.

Vụ cô giáo xin hỗ trợ laptop, học sinh đã đi học trở lại

Chân Phúc |

TPHCM - Số học sinh vắng học ngày 30.9, liên quan đến vụ cô giáo xin hỗ trợ laptop tại Trường Tiểu học Chương Dương đã đi học đầy đủ vào hôm nay 1.10.

Dự báo mới nhất đường đi và cường độ siêu bão số 5 Krathon

AN AN |

Cơ quan khí tượng cho biết siêu bão số 5 Krathon ở trên vùng biển đông bắc của khu vực Bắc Biển Đông sẽ di chuyển chậm theo hướng tây tây bắc trong 24 giờ tới.

Cái giá của sự nổi tiếng dành cho các Tiktoker làm nội dung câu view là gì?

ĐÔNG DU |

Đằng sau những lượt xem, mức độ nổi tiếng, không ít Tiktoker phải trả một cái giá đắt. Đó cũng là bài học cho những người sáng tạo nội dung theo con đường bất chấp câu view phản cảm.

Tiktoker Nờ Ô Nô bị phạt 7,5 triệu đồng sau clip miệt thị người nghèo

DI PY |

TPHCM - Chiều 29.11, ông Nguyễn Đức Thọ, Chánh Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM cho biết, đơn vị đã ra quyết định xử phạt Phạm Đức Tuấn, 26 tuổi, chủ tài khoản Tiktok Nờ Ô Nô sau khi đăng clip miệt thị người nghèo.

Từ vụ tiktoker Nờ ô nô: Giới trẻ phản ứng ra sao với nội dung bẩn?

Linh chi - Dương Anh |

Những video với nội dung gây bức xúc như video của tiktoker Nờ ô nô không phải là hiếm trên mạng xã hội. Tuy nhiên, thay vì dễ dãi, nhiều người trẻ đã chọn cách tiếp cận thông tin có chọn lọc và không "tiếp tay" để những người thực hiện nội dung tiêu cực đạt được mục đích.