Ngày 14.3, Câu lạc bộ cựu binh Trường Sa ở Đà Nẵng tổ chức lễ tưởng niệm sự kiện Gạc Ma 14.3.1988. Tại khuôn viên dưới chân cầu Mân Quang (quận Sơn Trà, TP.Đà Nẵng), mâm cúng được đặt trang nghiêm trên chiếc bàn vuông, vái vọng các liệt sĩ Trường Sa.
Đại tá Hoàng Duy Lập - nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn Công binh 83 – cho hay, do dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, để tránh tập trung đông người nên buổi lễ tưởng niệm được tổ chức ngắn gọn. Tại nơi này, chúng tôi xin kính cẩn thắp nén nhang này tỏ lòng biết ơn, tri ân các đồng chí trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.
Thiếu tá Nguyễn Thị Bích Lạc – vừa là người thân, vừa là đồng đội của liệt sĩ Trần Văn Phòng chia sẻ, vào tháng 3 năm 1988, con gái vừa tròn tuổi thì bà nhận được thông báo chồng mình đã hi sinh khi làm nhiệm vụ tại đảo đá Gạc Ma.
Suốt một thời gian dài, bà Lạc cứ ngóng về phía khơi xa cầu mong một điều kỳ diệu và phép màu đã không xảy ra với chồng bà và 63 người lính khác.
"Gia đình cứ truyền lại, nối tiếp cho các thế hệ sau về câu chuyện Gạc Ma, về người ông, người cha ra đảo Trường Sa, ra Gạc Ma và hi sinh để bảo vệ biển đảo quê hương. Tưởng niệm Gạc Ma, không một ai bị lãng quên" - thiếu tá Lạc chia sẻ.
Trong ngày "giỗ chung" của 64 đồng đội, đại tá Nguyễn Văn Khánh - nguyên Phó Tham mưu trưởng tác chiến Lữ đoàn Công binh 83, Quân chủng Hải quân Việt Nam đau đáu về Gạc Ma, về biển đảo.
"Mong muốn làm sao lớp trẻ sau này nhớ mãi đến sự kiện Gạc Ma 14.3.1988. Phải xác định rằng, dù bất cứ thế hệ nào, trong hoàn cảnh nào thì quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa vẫn là của Việt Nam, điều đó là bất biến.
Các bạn trẻ phải tiếp tục đấu tranh cho điều này. Đấu tranh bằng cái đầu lạnh, trái tim nóng để làm sao bảo vệ được cho đất nước, cho biển đảo quê hương" - đại tá Nguyễn Văn Khánh nói.