Thưa ông, ngày 23.11.2021, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành vừa ký Quyết định số 1970/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển Ngành Khí tượng Thủy văn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045... Ông có thể cho biết, hiện tại mức độ tin cậy trong dự báo khí tượng thủy văn đã đạt bao nhiêu phần trăm?
- Ông Vũ Đức Long: Độ tin cậy trong dự báo khí tượng thủy văn có mức độ khác nhau, tùy thuộc vào yếu tố và hiện tượng cũng như thời hạn dự báo. Các yếu tố, hiện tượng quy mô nhỏ, biến động mạnh thì độ tin cậy dự báo sẽ thấp hơn, thời hạn dự báo trước 1-2 ngày thì có độ tin cậy tốt hơn dự báo trước 5 đến 10 ngày.
Về dự báo thời tiết hàng ngày: Dự báo thời tiết chi tiết đến địa điểm cấp huyện với độ tin cậy khoảng 80%. Về dự báo, cảnh báo bão, độ tin cậy trong bản tin dự báo bão (vị trí và cường độ bão) của Việt Nam đã tiệm cận với trình độ dự báo bão của các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới.
Trong dự báo, cảnh báo mưa lớn diện rộng, trước 2-3 ngày với độ tin cậy khoảng 75%; đối với mưa lớn cục bộ hoặc mưa lớn trong cơn dông mới chỉ cảnh báo trước từ 30 phút đến 2-3 giờ.
Dự báo, cảnh báo rét đậm, rét hại gây ra bởi không khí lạnh: Trước 2-3 ngày với độ tin cậy 80-85%. Dự báo, cảnh báo các đợt nắng nóng diện rộng: Trước từ 2-3 ngày có độ tin cậy 80%, trước 5-7 ngày có độ tin cậy 70%, thời điểm kết thúc các đợt nắng nóng diện rộng chính xác từ 80-85%. Dự báo, cảnh báo thủy văn: Dự báo, cảnh báo lũ trên các sông khu vực miền Trung, Tây Nguyên trước 24-48 giờ, khu vực Bắc Bộ trước 3-5 ngày đạt từ 70%-85%.
Đối với các hiện tượng dông, lốc, mưa đá, tố lốc hay vòi rồng chúng ta không thể dự báo được mà chỉ có thể cảnh báo trước từ 30 phút đến 3 giờ, đó là do quy mô về không gian của hiện tượng này quá nhỏ, vì thế chúng ta không thể dự báo trước được mà chỉ có thể dùng các thiết bị chuyên dùng như radar, ảnh mây vệ tinh để theo dõi và cảnh báo. Còn đối với các dự báo xa như dự báo khí hậu mùa, dự báo năm thì chất lượng cũng không thể vượt quá được 70%.
Khoa học ngày càng tiến bộ để giảm bớt tỉ lệ sai sót, xin ông cho biết lộ trình, giải pháp để nâng cao mức độ cảnh báo chuẩn xác hơn trong vài năm nữa, tránh dự báo sai, gây thiệt hại cho người dân, ảnh hưởng đến nền kinh tế.
- Dự báo sẽ không thể nào đạt độ chính xác tuyệt đối mà chỉ tiệm cận đến giá trị thực. Mặc dù khoa học ngày càng tiến bộ nhưng cũng có những giới hạn của nó, giống như khi chúng ta ép 1 lò xo thì cũng chỉ đạt được ở mức tương đối. Dự báo KTTV cũng vậy, ví dụ như đối với dự báo bão, trên thế giới trong những năm qua, độ chính xác chỉ được cải thiện đối với việc dự báo quỹ đạo của bão, còn đối với dự báo cường độ thì hầu như không thay đổi; hay như dự báo mưa, theo báo cáo của cơ quan khí tượng Trung Quốc thì đợt mưa lũ vừa qua ở Trung Quốc, độ chính xác của dự báo lượng mưa chỉ ở khoảng 20-30%. Điều đó cho thấy, mặc dù có những tiến bộ về khoa học kỹ thuật nhưng với sự phức tạp, biến đổi của thiên tai, việc dự báo, cảnh báo là vô cùng khó khăn.
Để nâng cao độ tin cậy của dự báo trong thời gian tới, có nhiều giải pháp quan trọng được đặt ra đối với ngành KTTV, từ tăng cường mạng lưới quan trắc, hiện đại hóa hạ tầng thông tin dữ liệu, đào tạo nhân lực, tăng cường hợp tác quốc tế đến phát triển và hiện đại hóa các công nghệ dự báo. Các giải pháp, nhiệm vụ và mục tiêu cụ thể đã được phê duyệt trong Quyết định số 1970/QĐ-TTg ngày 23.11.2021 phê duyệt Chiến lược phát triển Ngành Khí tượng Thủy văn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó nhấn mạnh: Mục tiệu tự động hóa đạt trên 95% đối với các trạm khí tượng, trạm đo mực nước, đo mưa, đo gió trên cao, tối thiểu 40% đối với các trạm đo lưu lượng, bổ sung Radar thời tiết cho các khu vực đất liền, khu vực biên giới, các đảo và quần đảo thuộc chủ quyền Việt Nam; phát triển mạng lưới trạm khí tượng hải văn tự động, ưu tiên khu vực biển ven bờ Vũng Tàu - Cà Mau - Hà Tiên; phát triển một số trạm hải văn dạng phao trên các vùng biển ngoài khơi.
Lồng ghép hệ thống quan trắc môi trường không khí, nước mặt, đo mặn vào hệ thống khí tượng thủy văn quốc gia; ứng dụng các công nghệ quan trắc mới, hiện đại phục vụ quan trắc khí tượng thủy văn và giám sát biến đổi khí hậu
Phát triển, hoàn thiện mạng lưới trạm khí tượng thủy văn phục vụ nhu cầu của bộ, nghành, địa phương, tổ chức, cá nhân trong các lĩnh vực có liên quan; 100% công trình quan trắc khí tượng thủy văn được thực hiện quan trắc và cung cấp thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn theo quy định.
Song song với mục tiêu quan trác chúng tôi cũng thực hiện các biện pháp hiện đại hóa dự báo như: Xây dựng hệ thống hỗ trợ dự báo khí tượng thông minh; hệ thống dự báo tác động; hệ thống chuyên dụng phân tích và dự báo bão, áp thấp nhiệt đới; phát triển hệ thống dự báo mô hình số trị có đồng hóa các loại số liệu bề mặt và viễn thám, tập trung nâng cao chất lượng dự báo định lượng mưa ở các thời hạn dự báo từ cực ngắn đến dự báo trước từ 2-3 ngày; xây dựng, cập nhật bộ số liệu chuẩn khí hậu quốc gia và giám sát biến đổi khí hậu; tăng mức chi tiết các dự báo sớm, dài hạn diễn biến khí hậu quy mô mùa đến 1 năm.
Phối hợp với các bộ, ngành, địa phương thực hiện đánh giá tổng thể và phân vùng chi tiết rủi ro thiên tai khí tượng thủy văn; đánh giá và cập nhật tài nguyên khí hậu, tài nguyên nước, xây dựng hệ thống giám sát và cảnh báo lũ quét, sạt lở đất thời gian thực cho các khu vực vùng núi, trung du, chi tiết tới cấp huyện, xã; tích hợp, đồng bộ các mô hình dự báo thủy văn trên các lưu vực sông, xây dựng công cụ cảnh báo, dự báo chi tiết phạm vi ngập lụt, độ sâu ngập lụt vùng hạ lưu các lưu vực sông và hạ lưu các hồ chứa.
Nghiên cứu ứng dụng giải pháp công nghệ hiện đại (AI, big data,...) trong dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn như bão, mưa lớn, dông, lốc, sét, lũ, lũ quét, sạt lở đất; triển khai các sản phẩm dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn truyền tải đa dạng trên nền tảng công nghệ số.
Xin cảm ơn ông!