Lần đầu tiên đào tạo ở Việt Nam
Giới thiệu về chương trình, PGS Nguyễn Thị Quế Anh - Chủ nhiệm khoa Luật - nhấn mạnh, PCTN được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm. Do đó công tác giáo dục, tuyên truyền nâng cao nhận thức và đào tạo nguồn nhân lực là biện pháp nền tảng lâu dài có ý nghĩa rất quan trọng.
Chương trình được xây dựng với mục tiêu đào tạo chuyên gia có kiến thức toàn diện, chuyên sâu cho cơ quan, tổ chức có nhu cầu về lĩnh vực này ở Việt Nam, như: Cơ quan chuyên trách về PCTN, tổ chức xã hội, tổ chức quốc tế, doanh nghiệp, cơ sở học thuật, cơ quan truyền thông...
Chia sẻ rõ hơn về lý do đào tạo, GS-TSKH Nguyễn Đình Đức - Trưởng ban Đào tạo đại học và sau đại học Đại học Quốc gia Hà Nội - nhấn mạnh: “Đất nước chúng ta đang trong quá trình hội nhập đổi mới và có rất nhiều vấn đề liên quan đến việc PCTN. Bên cạnh công tác chống tham nhũng của các quan chức nhà nước, hiện nay còn có rất nhiều doanh nghiệp lợi dụng sơ hở của chính sách pháp luật làm tổn hại đến người dân, đây cũng được coi là tham nhũng. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang làm cho sự tham nhũng diễn ra ngày càng tinh vi hơn. Tất cả đã đặt ra yêu cầu trong việc nâng cao chất lượng giảng dạy, nghiên cứu lĩnh vực này ở Việt Nam nói chung, Đại học Quốc gia Hà Nội nói riêng”.
GS Đức cũng thông tin thêm việc mở ngành này sẽ góp phần cho công tác nghiên cứu, để hoàn thiện hệ thống luật pháp liên quan tới PCTN. Từ việc đào tạo ra đội ngũ phòng chống tham nhũng với mong muốn những học viên sẽ phải khơi dậy được và biến việc PCTN trở thành ý thức xã hội, thành văn hóa chống tham nhũng.
Cần hay không?
Ủng hộ chương trình đào tạo này, ông Vũ Quốc Hùng - nguyên Ủy viên T.Ư Đảng, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương - cho rằng: “Nói về PCTN thì đều cần phải có những con người có trình độ cả về lý luận và thực tiễn. Cho nên nếu có nhiều người, nhiều chuyên gia giỏi, những con người trong sạch làm trong lĩnh vực này thì rất hay. Tôi ủng hộ hoàn toàn việc đào tạo nhân lực về lĩnh vực PCTN, không chỉ ở trình độ thạc sĩ mà còn có thể cao hơn là cả trình độ tiến sĩ.
Nếu chỉ hô khẩu hiệu mà không nhận diện được tham nhũng, không có những biện pháp nhận ra tham nhũng thì cuối cùng tham nhũng nó vẫn hoạt động. Cho nên, chúng ta cần phải có tính chuyên nghiệp cao, tính nghiệp vụ cao” - ông Hùng bày tỏ.
Ở góc nhìn khác, PGS-TS Nguyễn Hoàng Giáp - giảng viên Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh - cho rằng, việc mở hẳn chương trình đào tạo sau đại học về PCTN là không cần thiết. Theo ông Giáp, nội dung về PCTN đã có ở nhiều môn học về pháp luật, xây dựng Đảng, chính trị học.
Đồng tình với quan điểm của PGS-TS Nguyễn Hoàng Giáp, luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng, các hành vi tham nhũng trong Luật PCTN 2005 đã được chuyển hóa vào trong các điều luật của Bộ luật Hình sự 1999 cũ và Bộ luật Hình sự mới 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017). Như vậy, có thể thấy việc đào tạo thạc sĩ luật học Quản trị nhà nước và PCTN về cơ bản là nằm trong đào tạo chuyên ngành Luật Hình sự nói chung.
Trước những ý kiến này, GS Đình Đức cho rằng: Khi đất nước mình đang đẩy mạnh công cuộc PCTN, xây dựng Nhà nước lành mạnh kiến tạo thì tham nhũng nó là một cái cản trở sự phát triển của xã hội. Với tất cả những điều như vậy thì đào tạo về Quản trị nhà nước và PCTN là vấn đề hết sức cần thiết. Đây không phải là vấn đề sáng tạo trên thế giới, bởi nhiều nước trên thế giới đã đào tạo nhưng nó là vấn đề tiên phong ở Việt Nam.