Dấu ấn Báo Lao Động 30 năm tại ĐBSCL: Lắng nghe, kết nối và chia sẻ

LÊ THANH NGUYÊN (Nguyên Trưởng đại diện Báo Lao Động tại ĐBSCL) |

Mới đó, đã 20 năm! Tổng biên tập Phạm Huy Hoàn vào Cần Thơ triển khai kế hoạch in và phát hành Tin nhanh France 98 (World Cup 1998) tại Cần Thơ cùng lúc với việc giao cho tôi nhiệm vụ phụ trách văn phòng đại diện tại ĐBSCL với lời dặn dò: Tạo thế đứng thật vững cho cơ quan đại diện tờ báo của tổ chức Công đoàn Việt Nam tại nơi vùng trọng điểm nông nghiệp quốc gia…

Nắm giữ chìa khóa kết nối…

“Tạo thế đứng…” đã khó, phải “thật vững” lại càng khó hơn đối với tên hiệu của một tờ báo Công đoàn ở vùng đất có gần 90% dân cư làm nông nghiệp, tất cả quá mới mẻ, nhất là trong điều kiện nhân sự tại chỗ của bổn báo quá mỏng;  hồi đó chúng tôi còn nói đùa với nhau “quân lính gom lại nấu nồi canh không ngọt”, chủ yếu là nắm chặt những cánh tay nối dài (cộng tác viên ở các địa phương  cách nơi điều hành từ 50km đến hơn 100km). Kết nối để giải quyết mặt bằng thông tin trên toàn vùng mỏng và xa nên dễ bị lõm… Thôi, tạm chấp nhận, chờ kết quả tham gia quy trình xuất bản - phát hành Tin nhanh World Cup…

Lúc này, đối thủ cạnh tranh tin nhanh có khoảng 10 tờ báo lớn của TPHCM với lực lượng đông, mạnh và chi phí lớn, nên Tin nhanh hằng ngày có xe tải riêng để chuyển. Hiểu được Tin nhanh số lượng chuyển đi không lớn, quan trọng là phải nhanh, đến địa bàn phát hành phải sớm hơn báo bạn. “Mạnh dùng sức, yếu dùng  thế”, Văn phòng Báo Lao Động đã sử dụng toàn bộ số tiền hoa hồng và thưởng phát hành, gộp lại để ký hợp  đồng vận chuyển với hơn 10 xe honda ôm bung về 10 vùng đô thị lớn.  Mỗi ngày, 2 giờ sáng, xe honda ôm túc trực tại cổng xưởng in nhận Tin nhanh, phát huy tối đa thế mạnh linh hoạt của xe máy, 7 giờ sáng Tin nhanh đã có mặt tại các trung tâm đô thị cách Cần Thơ hơn 100km. Bởi đi nhanh, nên Tin nhanh Lao Động bán chạy, số lượng ngang ngửa với tờ báo luôn có số lượng hàng đầu ở ĐBSCL…

33 trận chung kết World  Cup 1998 (có đến 32 giải thưởng trên Tin nhanh là của khu vực độc giả ĐBSCL). Trong thời điểm này, cán bộ, phóng viên, nhân viên Văn phòng ĐBSCL  gần như thức xuyên suốt 33 ngày đêm (tổ chức ăn cơm tại cơ quan)…

Vừa xong World Cup, chưa kịp dọn dẹp, lại lao vào vùng lũ để đi cứu trợ. Những năm đó lũ lụt ở khu vực này cứ nối tiếp. Có lúc đi cứu trợ giữa rốn lũ vùng Đồng Tháp Mười quay về không kịp con nước lũ dâng cao che hết các mặt đường, tài xế phải ôm vô lăng nương theo hàng cột đèn của những con đường mà chạy. Giữa lúc chìm trong nỗi khổ nhọc, tôi chợt nhận ra với sức vóc hiện tại không thể kham nổi một địa bàn luôn có thiên tai rộng lớn… Phải tìm ra giải pháp toàn vẹn hơn (dù chỉ là tương đối): Đó là chìa khóa kết nối.

Bài phóng sự “Tiếng gọi từ mảnh đất tận cùng” - giải C Giải Báo chí toàn quốc 1998.  Ảnh: VP ĐBSCL
Bài phóng sự “Tiếng gọi từ mảnh đất tận cùng” - giải C Giải Báo chí toàn quốc 1998. Ảnh: VP ĐBSCL

Mở cánh cổng thiện nguyện

Thời điểm thập niên 90 của  thế kỷ trước, lũ lụt kéo về đất này dồn dập. Lũ năm Thìn càng dữ dội hơn. Giải pháp kết nối cứu trợ được triển khai: Phóng viên Văn phòng Báo Lao Động ở ĐBSCL lặn lội về vùng lũ ở các địa phương đầu nguồn khảo sát và đưa ra kết luận: Bà con nơi đây cần nhất gạo vì trong thời điểm giáp hạt gạo, lúa trong bồ đã cạn. Chỉ cần có gạo, bà con chống xuồng ra ngoài, giăng lưới, cắm câu cũng có được con cá, cọng rau cho bữa cơm hằng ngày cầm cự được suốt thời gian ngâm trong nước lũ…

Khi có chương trình cứu trợ của Quỹ Tấm lòng Vàng Lao Động đưa về, Văn phòng ĐBSCL liên lạc với LĐLĐ sở tại cùng thống nhất địa điểm, số lượng cứu trợ - mỗi suất cứu trợ là một bao gạo 30kg… LĐLĐ làm việc với địa phương tại chỗ chọn  đối  tượng theo tiêu chí và phát phiếu nhận hàng cứu trợ, đồng thời chọn nhà máy xay lúa ở gần điểm tập hợp phát quà cứu trợ để đặt xay lúa. Văn phòng phân công phóng viên mang bao có in sẵn tiêu đề với số lượng gạo tương ứng và kiểm tra chất lượng gạo đổ vào bao.

Đến giờ G, đại diện lãnh đạo Báo Lao Động và lãnh đạo LĐLĐ địa phương cùng đến trao quà cho bà con tại điểm lũ lụt…

Mỗi đợt đoàn cứu trợ của Báo Lao Động vào vùng lũ các thành viên đều được cấp cho 1 đòn bánh tét, hồi đó thường nói đùa với nhau là bánh tét giắt lưng giống như thời chiến. Vào đến điểm tổ chức phát quà cứu trợ đã đến giờ hẹn với bà con vùng lũ, nên cả đoàn lao vào, người phát loa gọi tên trong danh sách, rồi người khênh, kẻ vác chuyển những bao gạo 30kg đầy ắp, đến tận tay người dân… Cả đoàn xoay như bông vụn trong một vùng nước ngập  mênh mông chừng xong việc, ai cũng mệt nhoài bụng đói meo. Leo lên mui tắc ráng quay về cơ quan LĐLĐ, mọi người mới chợt nhớ đến đòn bánh tét giắt lưng… Và đại tiệc bánh tét được tiến hành trên nền trời nước mênh mông của vùng lũ…

Chìa khóa kết nối đã mở toang các cánh cửa thiện nguyện. Không chỉ trong hệ thống tổ chức Công đoàn của mình mà còn kết nối được chính quyền tại chỗ và doanh nghiệp: 15 năm làm chỗ trọ miễn phí (CTMP) hỗ trợ cho thí sinh nghèo đi thi đại học ở Cần Thơ, cứu trợ thiên tai dịch họa, giúp đỡ những cảnh đời khốn khó…

Tuy chưa có thống kê chính thức, nhưng con số được Báo Lao Động hỗ trợ giúp đỡ có thể lên đến hàng trăm nghìn lượt người nghèo khốn khó trong 30 năm qua. Sự kết nối này càng lúc càng thu hút nhiều thành phần trong xã hội  tham gia, như CTMP ban đầu chỉ một vài tổ chức CĐ và một doanh nghiệp, sau đó có thêm chính quyền địa phương xã, huyện, tỉnh, doanh nghiệp và nhiều nhà hảo tâm khác, đến năm 2009 mỗi đợt CTMP ngoài tổ chức CĐ còn có đến hơn 20 đơn vị tham gia góp phần đẩy số lượng chỗ trọ  ban đầu từ 300 lên đến 4.500 chỗ/ năm…

Không biết có sự trùng hợp ngẫu nhiên? Hơn 30 năm trước, khi chuyển về Báo Lao Động tôi chào sân bằng bài “Cháy” trên mục “Nói hay đừng” luận bàn về sự cố cháy rầy ở trung tâm miền Tây sông nước. Và suốt gần một đời người, tôi đã cùng những chiến hữu trong đoàn quân  Lao Động đã “cháy hết mình” - như mong muốn hồi nào của Tổng Biên tập Phạm Huy Hoàn.

Và mãi đến bây giờ tôi mới ngộ ra, “thế đứng” ấy không phải là sự tỏa sáng nơi một vùng đô thị tráng lệ mà là tên hiệu của tờ báo trong lòng người lao động nghèo nơi miền đất một nắng hai sương nhọc nhằn này…

NGƯỜI DÂN ĐỒNG BẰNG HỎI, “CÓ BÁO LAO ĐỘNG VỀ KHÔNG?”

30 năm trôi qua, tại ĐBSCL Báo Lao Động đã nỗ lực nhen nhóm và thổi bùng ngọn lửa thiện nguyện lan nhanh trong đời sống xã hội! Hồi đó, cứ mỗi lần có lũ về, vào rốn lũ, thì luôn nghe người dân nơi đây hỏi: “Có Báo Lao Động về không?”. Hay đến mùa thi,liên tục nhận được điện  thoại từ các mạnh thường quân gọi đến: “Năm nay có làm chỗ trọ không? Cứ thấy mùa thi đến lại nhớ Báo Lao Động…”.

“Thế đứng” ấy không phải là sự tỏa sáng nơi một vùng đô thị tráng lệ mà là tên hiệu của một tờ báo - Báo Lao Động trong lòng người lao động nghèo nơi miền đất một nắng hai sương nhọc nhằn này…


LÊ THANH NGUYÊN (Nguyên Trưởng đại diện Báo Lao Động tại ĐBSCL)
TIN LIÊN QUAN

Cập nhật giá vàng sáng 23.9: Vàng nhẫn tăng cao kỷ lục

Khương Duy |

Cập nhật giá vàng sáng 23.9: Kim loại quý đang neo ở ngưỡng kỷ lục nhiều tuần. Trong nước giá vàng nhẫn tròn trơn lên tới 80,5 triệu đồng/lượng.

Ngập lụt cục bộ, hơn 10.000 học sinh Hà Tĩnh nghỉ học

TRẦN TUẤN |

Sáng 23.9, tại Hà Tĩnh có mưa to gây ngập cục bộ một số tuyến đường nên đã có hơn 10.000 học sinh được cho nghỉ học.

Vụ phụ huynh “sợ” các khoản thu đầu năm: Kiểm điểm cô giáo

QUÁCH DU |

Thanh Hóa - Sau khi phụ huynh tại một trường tiểu học (ở thị xã Nghi Sơn) bức xúc, "thấy sợ" về các khoản thu đầu năm học, nhà trường đã kiểm điểm một cô giáo.

Hòa Bình di dời khẩn cấp người dân trong đêm, tránh sạt lở

Minh Nguyễn |

Hòa Bình - Tối 22.9, người dân ở tổ 1, phường Thống Nhất, TP Hòa Bình phải di dời khẩn cấp để đảm bảo an toàn, tránh sạt lở.

BRICS có khả năng trở thành khối lớn nhất hành tinh

Khánh Minh |

23 quốc gia chính thức nộp đơn xin gia nhập BRICS trước hội nghị thượng đỉnh BRICS năm 2024.

Người dân dỡ nhà, giao đất làm đường 57km qua Hà Nội

HỮU CHÁNH |

Hà Nội - Nhiều người dân huyện Mê Linh đồng loạt tháo dỡ nhà để bàn giao mặt bằng cho dự án Vành đai 4.

Nối nghiệp cha ông, cốm Mễ Trì đỏ lửa những ngày vào mùa

HOÀNG XUYẾN - VIỆT ANH |

Dù công việc vất vả, nhưng nhiều gia đình tại làng cốm Mễ Trì Thượng (Nam Từ Liêm, Hà Nội) vẫn cố gắng giữ lửa nghề, nối nghiệp cha ông.

Cuộc sống của người dân khu tập thể cũ ở Hà Nội sau bão số 3

Nhật Minh - Minh Hạnh |

Hà Nội - Sống trong những khu tập thể cũ như A7 Tân Mai; G6A Thành Công… cư dân luôn nơm nớp lo, nhất là vào mùa mưa bão.