Đến tận nơi gỡ khó cho dân
“Với tôi, ngày 28.8.2023 như mốc thời gian nhớ nhất trong quãng đời 70 năm của mình” - ông Nguyễn Phước Thiện (phường 1, TP Cao Lãnh) nhớ lại thời khắc nhận “Sổ đỏ” sau khi được Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa trực tiếp chỉ đạo giải quyết. Hơn một năm trước, bốn anh em ruột ông Thiện cùng gởi hồ sơ đăng ký đất lần đầu cho phần đất cha mẹ để lại. Nhưng không hiểu sao, 3 người được cấp, còn ông thì không. Sau 1 năm đi - lại mà chưa được xử lý cũng như cho giấy hẹn thời gian xử lý, ông Thiện rất bức xúc. Vì thế khi biết tin Chủ tịch UBND tỉnh dành buổi sáng thứ Hai trong tuần trực tiếp đến Trung tâm Hành chính công (TTHCC) gỡ khó thủ tục hành chính cho công dân, ông đăng ký và được lên lịch gặp gỡ vào ngày 21.8.2023. “Trên cả tuyệt vời”- ông Thiện nhớ lại hình ảnh thân thiện của người đứng đầu chính quyền tỉnh. Không chỉ kéo ghế mời tôi ngồi, ông Chủ tịch tỉnh còn ân cần thăm hỏi sức khỏe trước khi vào việc với sự tham dự của lãnh đạo ngành chức năng và UBND TP Cao Lãnh.
Sau khi lắng nghe ông Thiện trình bày tóm tắt vụ việc, ông Nghĩa nhận định: “Bức xúc của dân là chính đáng và yêu cầu đại diện lãnh đạo UBND TP Cao Lãnh ghi nhận, xử lý và có câu trả lời vào buổi tiếp công dân vào tuần sau”. Tất cả chỉ diễn ra trong vòng 5 phút, nhưng đã gỡ rối được thủ tục hành chính kéo dài cả năm qua.
Ngày 28.8.2023, sau khi chứng kiến lãnh đạo UBND TP Cao Lãnh trao “Sổ đỏ” cho ông Thiện, Chủ tịch Phạm Thiện Nghĩa gởi lời xin lỗi: “Chỉ vì sơ suất của người thi hành công vụ mà gần năm nay chú phải vất vả tới lui, xin thay mặt lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp gởi lời xin lỗi và mong nhận được sự cảm thông”. Ông Thiện là 1 trong số 40 công dân, doanh nghiệp nhận được kết quả “xử lý nóng” của Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp sau 3 tháng triển khai mô hình “Lãnh đạo tỉnh gặp gỡ người dân, doanh nghiệp thực hiện TTHC” tại TTHCC Đồng Tháp.
“Mô hình “Lãnh đạo tỉnh gặp gỡ người dân, doanh nghiệp thực hiện TTHC” tại TTHCC Đồng Tháp, chính thức khởi động vào ngày 14.8.2023 do Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thiện Nghĩa trực tiếp khởi xướng và thực hiện. Đây là phần việc nằm ngoài chương trình tiếp dân theo định kỳ chung”- anh Nguyễn Công Minh- Phó Văn phòng UBND tỉnh Đồng Tháp - cho biết.
“Tôi chọn khung giờ 9-11h mỗi sáng thứ Hai mỗi tuần để bà con nhà ở xa không phải thức khuya dậy sớm khi đến, cũng như không phải quá muộn khi trở về. Hơn thế nữa, do là ngày đầu tuần nên nó còn có nhiều thời gian để người dân dễ làm các công việc tiếp theo” - ông Nghĩa chia sẻ.
Tận tâm, tận lực vì dân, nhưng chưa một lần ông Nghĩa xem đó làm “công”. Với ông, đơn giản đó là trách nhiệm của người Đảng viên. “Chúng tôi không bao giờ nghĩ rằng, việc thường xuyên gặp dân, lắng nghe được dân, giải quyết cho dân là sự ban phát, mà là trách nhiệm trong việc làm cho dân tin theo chủ trương đường lối của Đảng và pháp luật của Nhà nước” - ông Nghĩa nhấn mạnh.
Điều duy nhất khiến ông Nghĩa bận tâm trong hành trình gỡ khó thủ tục hành chính cho dân là sự “quá tải”. Để đáp ứng thời hạn xử lý theo chỉ đạo, nhiều lúc ông và các cộng sự phải làm ngoài giờ, làm cả ngày nghỉ trong tuần… “Có những lúc tôi mệt mỏi và xót khi thấy cộng sự vất vả… nhưng nếu mình buông xuôi thì người dân sẽ ra sao? Những thời điểm khó khăn đó, tôi thường lấy lời nói của Bác: “Cái gì có lợi cho dân thì cố gắng làm” để động viên mình và truyền lửa cho mọi người có thêm sức mạnh tinh thần mà vượt qua” - ông Nghĩa tâm tình.
Thúc đẩy chính quyền kiến tạo
Điều đáng quý hơn là sáng tạo này không dừng lại ở việc gỡ khó cho dân, mà thông qua đó còn thúc đẩy chính quyền kiến tạo.
Ngày 31.8.2023, hộ bà Trần Thị Minh (xã Mỹ Long, huyện Cao Lãnh), đăng ký gặp Chủ tịch tỉnh trình bày việc Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả huyện Cao Lãnh nhận đơn yêu cầu thu hồi Sổ đỏ mà huyện đã cấp không đúng quy định của pháp luật (theo nội dung bản án phúc thẩm), nhưng 4 tháng mà vẫn chưa xử lý, thậm chí không ghi thời gian hẹn trả kết quả.
“Thử đặt mình vào vị trí của người dân, gởi đơn mà suốt 4 tháng trời không được hồi âm và cũng không biết bao giờ được xem xét, thì mình có bức xúc không rồi hãy viện dẫn các quy định” ông Nghĩa nói rồi yêu cầu 3 ngày sau buổi tiếp xúc, lãnh đạo huyện Cao Lãnh phải đưa ra thông báo cho người dân…
Lan tỏa năng lượng cải cách
Sáng kiến “đến tận nơi gỡ khó cho dân” được xem như bàn chân thứ hai tạo nên thế đứng hoàn hảo trong xây dựng chính quyền thân thiện, vì dân mà nhiều thế hệ lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp đã dày công vun đắp. Trước đó, Đồng Tháp đã tiên phong đặt nền móng chính quyền thân thiện. Dịp Tết năm 2017, để hiện thực hóa chương trình hành động qua Slogan: “Kín cổng cao tường khép vận hội; Trải lòng mở cửa đón tương lai”, Đồng Tháp mạnh dạn mở cửa trụ sở, đón người dân tự do vào tham quan, chụp ảnh. Và cũng thời gian này, UBND tỉnh Đồng Tháp chính thức khai trương điểm “Cà phê doanh nghiệp - doanh nhân” trong khuôn viên trụ sở. Sau khi đặt lịch và gởi kèm hồ sơ, nội dung làm việc, doanh nghiệp - doanh nhân được UBND tỉnh đón tiếp tại bàn cà phê trước giờ hành chính mỗi sáng. Cái hay ở đây là mỗi lần chỉ bố trí tiếp một trường hợp để tạo không gian an toàn cho doanh nhân-doanh nghiệp tự do trình bày ý tưởng, cũng như nói lời gan ruột về những khó khăn. Sau khi lắng nghe nhà đầu tư trình bày và ý kiến tham vấn của các ngành chức năng, lãnh đạo UBND tỉnh chốt ngay vấn đề. Nhiều lúc chưa uống xong ly cà phê, dự án đã thông. Từ những tiền đề này, Đồng Tháp nhanh chóng lột xác khuất nẻo, trở thành điểm đến của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Từ những việc làm hiệu quả của mình, Đồng Tháp không chỉ rút ngắn khoảng cách bất lợi vị thế địa lý, để có mặt trong TOP đầu danh sách toàn quốc về PCI, PAPI…trong nhiều năm liền, mà còn lan tỏa nguồn năng lượng tích cực. Đã có nhiều, rất nhiều địa phương cả nước tìm đến tham khảo và sau đó “biến tấu” vào địa phương mình giá trị cốt lõi của chính quyền thân thiện, vì dân phụng sự… Đây là đóng góp thầm lặng của Đồng Tháp vào công cuộc cải cách thủ tục hành chính để cả nước vươn tới phát triển và thịnh vượng. Đồng Tháp xứng đáng với danh xưng đất Sen hồng trên đất Chín Rồng!