Cái duyên với đàn cò
Chia sẻ về vườn cò của gia đình, ông Mai Văn Quân (61 tuổi, trú tại huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa) cho biết, cách đây gần 20 năm trước (năm 2004), gia đình ông thuê khoảng 4ha đất (ở xã Hà Ngọc, huyện Hà Trung) để làm trang trại chăn nuôi và kết hợp trồng cây. Thuở ban đầu, nơi đây là khu đầm lầy lau lách, cỏ dại mọc um tùm và rất hoang vắng, nhưng đổi lại nơi đây là chỗ trú ngụ của nhiều loài chim trời.
Trải qua một thời gian, thấy một số người dân thường hay đến khu vực này đánh bẫy, săn chim trời bán, ông cảm thấy xót xa và thường xuyên nhắc nhở, tuyên truyền. Dần dà người dân cũng ý thức hơn trong việc bảo vệ các loài chim, vậy nên, năm này qua năm khác, khu vườn của gia đình ngày càng thu hút nhiều loài chim về trú ngụ.
Đến năm 2014, ông tiếp tục thuê thêm hơn 12 ha đất để mở rộng mô hình trang trại chăn nuôi và quy hoạch một khu đất rộng để cải tạo, đắp bờ trồng tre dùng làm nơi trú ngụ cho các loài chim trời. Sau ít năm cây cối, vườn tre tốt tươi, đã thu hút hàng vạn con cò, vạc, cuốc, bồ nông… đua nhau về ở.
Sau đó, để bảo vệ tối đa cho đàn chim, ông Quân tiến hành xây tường bao, rào dây thép gai xung quanh vườn, tránh sự “đột nhập” của những người săn chim có thể xảy ra.
“Thực sự, mỗi khi rời phố về khu vườn chim, tôi cảm thấy mình nhẹ nhóm, ngồi ngắm đàn cò chao lượn lúc xế chiều, mình cảm thấy thư thái, nhỏ bé và yêu thiên nhiên nhiều hơn” - ông Quân chia sẻ.
Không bao giờ ăn thịt chim
Cũng theo ông Quân, ông được sinh ra và lớn lên ở làng quê nên cảm nhận khá sâu sắc về thiên nhiên, cây cối, động vật. Đặc biệt là loài cò trắng, đã gắn bó sâu trong tiềm thức của không chỉ ông mà còn nhiều người khác. Vậy nên, khi nhìn thấy hàng vạn con cò bay về vườn nhà trú ngụ, ông lại càng trân quý và bảo vệ.
“Giờ đây, mỗi khi nhìn thấy ai săn bắt, làm thịt chim trời, tôi thấy rất xót xa, cứ tưởng tượng ra những chú chim đó đang sống, trú ngụ tại vườn nhà mình, nay đã bị bắt rồi làm thịt. Nhìn thấy tôi xót lắm nên lâu nay không bao giờ ăn thịt chim” - ông Quân cho hay.
Được biết, hiện nay để vừa phát triển kinh tế trang trại vừa bảo vệ đàn chim, gia đình ông Quân đã thuê từ 2 đến 3 lao động làm việc cố định. Tại đây, hàng ngày các lao động ngoài công việc làm vườn, còn thường xuyên đi kiểm tra, phát quang khu vực vườn chim, nếu phát hiện con nào bị thương sẽ có biện pháp chăm sóc kịp thời, con nào dính lưới thì gỡ, còn mắc bệnh chết thì mang đi chôn.
Chia sẻ về kế hoạch trong tương lai, ông Quân cho biết, đàn chim là tâm huyết, là công sức của ông trong suốt hơn 1 thập kỷ qua, do đó ông thường xuyên nhắc nhở con cháu ra sức bảo vệ. Bên cạnh đó, cũng mong muốn sau này phát triển nơi đây thành một khu sinh thái, điểm tham quan cho người dân. Từ đó lan tỏa thông điệp tốt đẹp về tình yêu thiên nhiên, để mọi người cùng chung sức bảo vệ, giữ gìn.