Phát hiện 3 vụ thực phẩm bẩn trong chưa đầy một tháng
Ngày 16.4, Phòng Cảnh sát môi trường - Công an tỉnh Bắc Giang, chủ trì phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và thú y kiểm tra cơ sở kinh doanh thực phẩm đông lạnh Đ.H, đường Thánh Thiên, phường Lê Lợi, TP Bắc Giang.
Qua kiểm tra phát hiện cơ sở có hơn 210 kg sản phẩm động vật đông lạnh gồm thịt bò, cánh gà, rẻ sườn bò không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Trước đó ngày 11.4, cơ quan chức năng tỉnh Bắc Ninh cũng phát hiện tại một cơ sở kinh doanh thực phẩm thuộc Công ty TNHH Đông Loan, ở thôn Thọ Đức (xã Tam Đa, Yên Phong, Bắc Ninh) có 7,1 tấn lòng lợn chưa qua sơ chế đã bốc mùi hôi thối.
Qua trưng cầu giám định, lô hàng được kiểm tra xuất hiện những vết màu đen, có mùi hôi thối, không đảm bảo lưu thông trên thị trường, ảnh hưởng đến sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng, đặc biệt là dễ lây lan dịch bệnh.
Ngày 30.3, cơ quan chức năng cũng phát hiện một vụ giết mổ 15 con lợn đã chết không rõ nguyên nhân, tổng trọng lượng là 1,1 tấn trên địa bàn huyện Việt Yên (Bắc Giang), chuẩn bị mang sang Bắc Ninh để tiêu thụ.
Cả ba vụ việc trên, cơ quan chức năng đều tiến hành xử phạt hành chính với chủ cơ sở, đồng thời buộc tiêu huỷ toàn bộ số thực phẩm không đảm bảo chất lượng.
Cần tăng chế tài xử phạt
Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, luật sư Quách Thành Lực, đoàn Luật sư TP Hà Nội, đánh giá, việc đưa thực phẩm bẩn ra thị trường để tiêu thụ có nguyên nhân lớn từ những người sản xuất, kinh doanh chạy theo lợi nhuận bất chấp.
Vì vậy, cần có chế tài xử phạt một cách nghiêm khắc hơn đối với hành vi này để đủ sức răn đe. Có thể thu hồi giấy phép, cấm hoạt động vĩnh viễn cơ sở sản xuất, kinh doanh, thậm chí xử lý hình sự với những trường hợp vi phạm nghiêm trọng.
"Cùng với đó, cần nghiên cứu sử dụng một phần giá trị kinh tế từ xử phạt vi phạm trong lĩnh vực thực phẩm để hỗ trợ cho các nạn nhân, giảm bớt tổn hại gây ra cho người tiêu dùng, trong trường hợp gây ra hậu quả, ảnh hưởng đến sức khoẻ người dùng", luật sư Lực nói.
Cùng trao đổi, luật sư La Văn Thái cho rằng, cũng cần nhìn nhận trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trong việc kiểm tra, giám sát nguồn gốc thực phẩm và quy trình sản xuất trước khi đưa sản phẩm ra thị trường để từ đó có giải pháp quản lý chặt chẽ hơn.
Tiếp đến, cần tuyên truyền về tác hại của "thực phẩm bẩn" và cung cấp thông tin chính xác, kịp thời đến người tiêu dùng để người dân tự biết bảo vệ mình.