Đáng nói, theo ông Tiến, nguyên nhân là do một lượng lớn tàu thuyền của các tỉnh “bạn” và tỉnh lân cận tập trung về Phú Quý để khai thác hành nghề giã cào bay, hoạt động quanh năm, thậm chí khai thác vào vùng biển cách bờ biển Phú Quý chỉ vài hải lý, đánh bắt theo kiểu tận thu, tận diệt.
“Kính mong lãnh đạo tỉnh sớm có giải pháp hữu hiệu để chúng tôi có được việc làm và nguồn thu nhập ổn định, vững tin bám biển sản xuất, tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo tổ quốc” – ông Tiến nhấn mạnh.
Hiện nay, tại ngư trường huyện đảo Phú Quý, ngoài tàu cá trong tỉnh hoạt động, còn có các tàu cá ngoài tỉnh như: Kiên Giang, Bà Rịa-Vũng Tàu… tập trung khai thác thủy sản và hoạt động bằng nghề giã cào đáy (tức nghề lưới kéo công suất lớn).
Ông Phan Văn Tấn - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Bình Thuận - cho biết: Hằng năm, chi cục thủy sản phối hợp với huyện Phú Quý mở các lớp tuyên truyền về việc nghiêm cấm hành vi sử dụng chất nổ, sung điện để khai thác thủy sản.
Từ đầu năm 2017 đến nay đã phát hiện được 2 trường hợp sử dụng xung điện để khai thác thủy sản; riêng vi phạm sử dụng chất nổ để khai thác thủy sản chưa phát hiện trường hợp nào do từ đầu năm đến nay cá cơm xuất hiện không nhiều nên tình hình có giảm. Ngoài ra, tàu cá vi phạm ngày càng tinh vi, nhanh chóng phi tang tang vật khi phát hiện có lực lượng chức năng kiểm tra nên rất khó phát hiện và xử lý theo quy định – ông Tấn cho biết.
Hiện nay, huyện đảo Phú Quý là ngư trường trọng điểm nghề cá của tỉnh Bình Thuận.