Gánh hậu quả nhãn tiền và lâu dài
Mua một bộ mỹ phẩm có tác dụng làm trắng da, dưỡng ẩm trên mạng về sử dụng, bệnh nhân N.T.D (52 tuổi) không thể ngờ mình phải nhập viện điều trị vì bị dị ứng, mẩn ngứa, nổi mụn.
“Sau 1 tuần sử dụng, tôi sốc khi nhìn vào gương, mặt của tôi nổi mụn sần sùi khắp mặt, ngứa ngáy. Bộ mỹ phẩm gần 2 triệu đồng, tôi mua của một tài khoản Facebook có chạy quảng cáo, họ giao hàng tận nơi, tôi cũng không biết cửa hàng đó ở đâu” - bà D kể lại.
Cùng cảnh ngộ bà D, sau khi dùng mỹ phẩm mua trên mạng, có người thời gian đầu thì da đẹp nhưng một thời gian biến đổi giãn mạch, mọc lông, teo mỏng da, thay đổi sắc tố, phụ thuộc corticoid, nếu không dùng thì sẽ bị mẩn ngứa. Có người bị sau 2 - 3 tháng hoặc vài năm sử dụng.
Theo các chuyên gia da liễu, việc sử dụng các loại mỹ phẩm không rõ nguồn gốc còn khá phổ biến ở nước ta. Mỹ phẩm không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng thường là mỹ phẩm giá rẻ và không được các cơ quan chức năng kiểm nghiệm. Tác hại ảnh hưởng tới sức khoẻ cũng tỉ lệ thuận với thời gian và mức độ sử dụng mỹ phẩm của mỗi người.
Bác sĩ Đỗ Thiện Trung - Khoa Laser và Săn sóc da, Bệnh viện Da liễu Trung ương cảnh báo: Để có lợi nhuận, tác dụng nhanh, dễ đánh lừa người tiêu dùng, các cơ sở sản xuất và kinh doanh mỹ phẩm giả đã đưa vào sản phẩm mỹ phẩm những thành phần độc hại, bị cấm như corticoid, parabens, formaldehyde, propylen glycol, chì, thuỷ ngân, kẽm, cyanua. Nguy hiểm hơn là những chất đó gây biến đổi thành phần lý hóa trên bề mặt da và mô phía dưới.
Theo Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Ngọc Oanh - Khoa Da liễu, Bệnh viện Bạch Mai, có rất nhiều tác hại ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người, đặc biệt là da khi sử dụng mỹ phẩm không rõ nguồn gốc.
"Một số người sẽ bị tác dụng tức thì ngay sau khi dùng như mẩn đỏ, nổi ban, dị ứng trực tiếp trên da. Có những trường hợp bị muộn hơn, sau khi dùng sản phẩm được một thời gian thì da mặt mỏng hơn, giãn mạch nhiều hơn.
Đối với những loại mỹ phẩm bị làm giả, đa số sẽ có thành phần là những kim loại nặng trong mỹ phẩm. Khi sử dụng những loại mỹ phẩm này lâu sẽ gây biến đổi gen và các tế bào, phát sinh các bệnh về gan, nội tiết... thậm chí còn ảnh hưởng đến chức năng sinh sản, gây vô sinh" - bác sĩ Oanh nói.
Liên tục bắt giữ, xử phạt nhưng chỉ như "muối bỏ bể"
Tháng 2.2023, Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Cà Mau tiến hành kiểm tra đột xuất các hộ kinh doanh mỹ phẩm trên địa bàn thành phố Cà Mau, qua đó tạm giữ gần 5.000 sản phẩm mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Tháng 4.2023, Đội QLTT số 20 phối hợp với Công an huyện Đan Phượng, TP Hà Nội đã phát hiện một cơ sở kinh doanh mỹ phẩm nhập lậu với số lượng lớn. Tại hiện trường, cơ quan chức năng phát hiện gần 3.000 sản phẩm mỹ phẩm là son phấn, kem dưỡng da, các sản phẩm làm đẹp.
Tháng 9.2023, Đội QLTT số 6 - Cục QLTT tỉnh Bắc Giang phối hợp với Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế - Công an huyện Tân Yên kiểm tra đột xuất, phát hiện tại 2 cơ sở đang bày bán một số hàng hoá là mỹ phẩm và nguyên liệu để sản xuất (đóng gói) mỹ phẩm. Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại dịch vụ MTPD đã bị xử phạt gần 200 triệu đồng vì các hành vi kinh doanh mỹ phẩm nhập lậu; không rõ nguồn gốc, xuất xứ; sản xuất, đóng gói mỹ phẩm mang nhãn hiệu giả mạo.
Mặc dù liên tục thu giữ, xử phạt nhưng các nạn nhân của mỹ phẩm rởm, mỹ phẩm không rõ nguồn gốc vẫn liên tục xuất hiện.
Tại Bệnh viện Da liễu Trung ương, Bệnh viện Bạch Mai..., gần như tháng nào cũng có trường hợp bệnh nhân nhập viện do biến chứng của việc sử dụng mỹ phẩm rởm làm đẹp.
ThS. BS Nguyễn Ngọc Oanh khuyến cáo, trước khi sử dụng bất kỳ sản phẩm nào bạn nên tìm hiểu thông tin cũng như nguồn gốc của sản phẩm đó. Khi chọn mua mỹ phẩm, chị em cần phải chọn mua sản phẩm tại những nơi uy tín, có nguồn gốc xuất xứ, tem mác rõ ràng.
Đồng thời phải lựa chọn loại mỹ phẩm phù hợp với loại da của mình. Để chắc chắn khi sử dụng không bị kích ứng hoặc gặp tác dụng phụ thì nên đến chuyên khoa da liễu - thẩm mỹ để được thăm khám và tư vấn từ những người có chuyên môn.