Theo Đài KTTV khu vực Nam Bộ, mực nước đỉnh triều vùng hạ lưu sông Sài Gòn – Đồng Nai tiếp tục lên trong những ngày tới. Đỉnh triều trong đợt này xuất hiện vào ngày 19 – 20.11 tại trạm Phú An (sông Sài Gòn) và trạm Nhà Bè (kênh Đồng Điền) có khả năng lên mức 1,60 – 1,65m (cao hơn BĐ III 0,10 – 0,15m), thời gian xuất hiện từ 4 – 6h và 16-18h..
Để chủ động phòng, tránh tổ hợp bất lợi (bão số 14 gây mưa lớn kết hợp triều cường), giảm thiểu thiệt hại do ngập lụt gây ra, UBND TPHCM chỉ đạo các Sở, ngành, đơn vị, địa phương chủ động triển khai Phương án chủ động phòng, chống, ứng phó tình trạng ngập úng do mưa lớn, triều cường và xả lũ trên địa bàn thành phố.
Khu vực có bờ bao, đê bao ven sông, vùng trũng thấp như: quận Thủ Đức, quận 12, quận Bình Thạnh, quận Gò Vấp, huyện Củ Chi, huyện Bình Chánh và huyện Hóc Môn tổ chức rà soát tại các khu vực trọng điểm vào thời điểm mưa lớn và mực nước triều dâng cao cho đến khi hết đợt triều cường, mưa, bão.
Chủ động thực hiện phương châm “4 tại chỗ”, chuẩn bị kinh phí, vật tư (cừ tràm, lưới B40, vải bạt, bao tải cát…), lực lượng, trước hết là lực lượng trực tiếp quản lý đê nhân dân túc trực tại những vị trí xung yếu có nguy cơ xảy ra tràn, bể bờ bao để xử lý ngay giờ đầu khi phát hiện sự cố hoặc có nguy cơ xảy ra sự cố, không để xảy ra ngập úng kéo dài, gây thiệt hại cho người dân.
Khu vực có nguy cơ sạt lở cao (huyện Cần Giờ, huyện Nhà Bè, huyện Bình Chánh, quận Thủ Đức, quận Bình Thạnh, quận 2…): tổ chức lực lượng, chuẩn bị sẵn sàng phương tiện để chủ động quyết định sơ tán, di dời dân đến các địa điểm tạm cư kiên cố, chắc chắn nhằm đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản nhân dân.
Sáng sớm nay 18.11 sau khi đi vào khu vực phía Đông quần đảo Trường Sa, áp thấp nhiệt đới đã mạnh lên thành bão, cơn bão số 14.
Hồi 5 giờ, vị trí tâm bão trên khu vực phía Đông quần đảo Trường Sa. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/h), giật cấp 11.