Để ngân sách CÓ thêm hàng ngàn tỉ ĐỒNG phòng chống COVID-19:

Tăng họp trực tuyến, giảm công tác nước ngoài, loại trừ lãng phí

Cao Nguyên |

Để có nguồn lực chống COVID-19, Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương giảm ít nhất 30-50% kinh phí hội nghị, công tác. Nếu làm theo phương án này, ước tính, riêng các cơ quan trung ương tiết kiệm được khoảng 700 tỉ đồng. Việc đẩy mạnh triển khai các cuộc họp trực tuyến cũng phải được khuyến khích sau khi dịch bệnh lắng xuống. Chính mùa dịch này là phép thử để mạnh dạn nói không với lãng phí.

Phải tiết kiệm ít nhất 30% chi hội họp, đi công tác trong nước, 50% đi công tác nước ngoài

Mới đây, tại hội nghị trực tuyến với các địa phương Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng yêu cầu các địa phương chủ động lấy nguồn tăng thu ngân sách và kinh phí cải cách tiền lương còn dư để thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động, an sinh xã hội và bố trí nguồn lực cho các nhiệm vụ phòng, chống dịch. Với những tỉnh khó khăn, ngân sách Trung ương sẽ hỗ trợ các mức 30%, 50% và 70% kinh phí thực phát sinh ở địa phương.

Các kiến nghị được đưa ra trong bối cảnh thu ngân sách địa phương ước giảm 40.000 tỉ đồng nếu COVID-19 kết thúc trong quý II và tăng trưởng GDP đạt khoảng 5,3%. Nếu tăng trưởng GDP dưới 5%, số thu ngân sách nhà nước sẽ giảm lớn hơn, chủ yếu do giảm thu ngân sách ở các khu vực kinh tế trọng điểm như Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Hải Phòng vốn chịu rất nhiều tác động từ sự đình trệ của các ngành: Dịch vụ, du lịch, thương mại, logistics, theo tính toán của Bộ Tài chính.

Do đó, để đảm bảo cơ cấu thu chi ngân sách, Bộ Tài chính kiến nghị cần phải tiết giảm các khoản chi không cần thiết. Theo đó, các bộ, ngành, địa phương cần phải rà soát, cắt giảm ít nhất 30% kinh phí hội nghị, công tác phí trong nước và 50% công tác phí nước ngoài. Nếu làm theo phương án này, Bộ Tài chính ước tính riêng các cơ quan trung ương tiết kiệm được khoảng 700 tỉ đồng.

Trao đổi với Lao Động, ông Võ Thành Hưng - Vụ trưởng Vụ Ngân sách Nhà nước (Bộ Tài Chính) cho biết, công tác tiết kiệm chi tiêu ngân sách đang được phía Bộ triển khai. Phía Bộ cũng đã báo cáo Chính phủ để yêu cầu các Bộ, Cơ quan Trung ương và các địa phương tiết kiệm thêm (ngoài phần đã tiết kiệm 10% chi thường xuyên từ đầu năm để dành nguồn cải cách tiền lương) ít nhất 30% chi hội họp, đi công tác trong nước và 50% đi công tác nước ngoài. Một số địa phương đang rà soát để tiết kiệm ở mức cao hơn. Cũng theo ông Hưng, trong thời gian có dịch thì việc thực hiện họp trực tuyến, hạn chế đi lại cũng góp phần giảm thiểu các chi phí.

Linh động, và triển khai lâu dài

Ông Phạm Văn Hòa - Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp cho rằng, nếu các chuyến công tác nước ngoài của cán bộ mà thật sự cần thiết, thật sự mang lại những hiệu quả thiết thực khi đất nước mở cửa và hội nhập thì phải khuyến khích, không tiếc tiền. Nhưng, nhiều đoàn đi công tác dưới danh nghĩa “khảo sát, học tập kinh nghiệm”, đã chi ra cả trăm triệu để mua vé máy bay quốc tế, ăn ở, thuê phương tiện di chuyển, điện thoại… trong thời gian ở nước ngoài nhưng rồi kết quả không được như kỳ vọng.

“Hạ tầng kỹ thuật ngày càng hiện đại, tốc độ kết nối của chúng ta không kém gì thế giới nên việc linh động áp dụng các cuộc họp trực tuyến để tiết kiệm các khoản chi phí kèm theo là cần thiết. Ngay cả cán bộ xã cũng không nhất thiết phải lên huyện để họp. Các bộ, ngành, cơ quan, đoàn thể cũng không tốn quá nhiều người, tốn quá nhiều thời gian chỉ để đi… họp”, ông Hòa nói và cho biết thêm, nhưng cũng có những cuộc họp không thể họp trực tuyến được mà phải họp tập trung.

Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng, cắt giảm hội họp hay tập trung họp trực tuyến sẽ giảm được rất nhiều chi phí mà công việc vẫn hiệu quả,  chúng ta có thể linh động triển khai lâu dài.

Hiện nay, theo thống kê, nhiều Bộ ngành đã triển khai việc họp trực tuyến, có văn bản gửi các đơn vị thuộc cơ quan Bộ yêu cầu tạm hoãn các chuyến công tác nước ngoài, các hội nghị, hội thảo tập trung đông người cho đến khi có thông báo mới. Cùng với đó là tăng cường ứng dụng Công nghệ thông tin để vừa bảo đảm phòng chống dịch bệnh, vừa thực hiện đầy đủ, đúng tiến độ và chất lượng công tác chuyên môn của đơn vị.

TPHCM: Tiết kiệm chi phí hành chính khi cán bộ làm việc tại nhà

Từ ngày 1.4, TPHCM không giải quyết các hồ sơ nộp trực tiếp (trừ những trường hợp cấp bách như giấy khai sinh, khai tử,…) mà chỉ giải quyết các hồ sơ trực tuyến thông qua dịch vụ công cấp độ 3, 4. Khoảng 2/3 số lượng cán bộ, công chức được bố trí làm việc tại nhà để tránh tập trung đông người, hạn chế lây lan dịch bệnh COVID-19. Trong thời gian dịch bệnh COVID-19 vừa qua, TPHCM cũng đã đẩy mạnh các cuộc họp trực tuyến.

Theo ông Hà Phước Thắng - Chánh văn phòng UBND TPHCM, hiện nay, các cơ quan nhà nước ở TPHCM đang thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND thành phố về thay đổi phương thức làm việc, cụ thể là bố trí cán bộ, công chức, viên chức làm việc tại nhà theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Ông Thắng cho biết, việc các cơ quan nhà nước cho cán bộ làm việc ở nhà và đẩy mạnh sử dụng dịch vụ công trực tuyến không chỉ đáp ứng yêu cầu trong thời điểm phòng chống dịch COVID-19 mà còn mang lại nhiều lợi ích như: Minh bạch, công khai trong giải quyết thủ tục hành chính, giảm tải được lượng giấy phải sử dụng khi làm hồ sơ, tiết kiệm được điện, nước, chi phí lưu trữ. MINH QUÂN

Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội Vụ Nguyễn Tiến Dĩnh:

Đẩy mạnh tinh giản, sắp xếp lại bộ máy để giảm chi tiêu công

Trao đổi với Lao Động chiều 13.4, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội Vụ Nguyễn Tiến Dĩnh cho biết, việc cắt giảm chi tiêu thường xuyên là rất quan trọng. Với số tiền này các cơ quan, đơn vị sẽ có thể dùng cho công tác phòng dịch. Bên cạnh việc cắt giảm chi tiêu, cần chú trọng đến công tác tinh giản biên chế để góp phần giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước.

Cũng theo ông Dĩnh, việc tinh giản biên chế cho các cơ quan, tổ chức sẽ rất quan trọng. Vấn đề này đã được thực hiện trong thời gian qua, trước cả thời điểm dịch bệnh có diễn biến phức tạp. Thời gian tới, sau khi dịch bệnh được khống chế, vấn đề sắp xếp lại bộ máy các cơ quan đơn vị, tinh giản gọn nhẹ nhân sự ở mỗi cơ quan tổ chức sẽ tiếp tục được thực hiện.

“Với các cơ quan thì cần tiết kiệm hơn nữa, giảm chi công để đầu tư cho vấn đề chống dịch. Trên thực tế, mới đây Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chính thức ký nghị quyết về gói an sinh xã hội lên tới 62.000 tỉ đồng hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch COVID-19. Kế hoạch này góp phần thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch bệnh COVID-19. Không chỉ có gói hỗ trợ này, trước đó các ngành công nghiệp như xăng dầu, điện cũng giảm giá để bình ổn thị trường” - ông Dĩnh cho hay.

Chia sẻ thêm về những giải pháp trong thời gian ứng phó với dịch COVID-19, ông Dĩnh cho rằng một loạt các biện pháp đã được Chính phủ tính đến và thực hiện quyết liệt như việc kích cầu cho các doanh nghiệp, taọ thuận lợi tốt cho sự phát triển, vượt qua khó khăn. Đồng thời các doanh nghiệp cũng cần tái cơ cấu, sắp xếp phù hợp, đặc biệt là quản trị tốt, ứng dụng công nghệ, tăng cường hợp tác liên kết, chia sẻ rủi ro, thậm chí chia sẻ lợi nhuận. Phạm Đông

Cao Nguyên
TIN LIÊN QUAN

Ở nhà tránh COVID-19: Động tác Yoga giúp cải thiện độ dẻo dai của cột sống

HOÀI ANH - HỒNG CƯỜNG |

Trong những ngày ở nhà phòng tránh dịch COVID-19, bạn hoàn toàn có thể tập những động tác Yoga dưới đây để cải thiện độ dẻo dai của cột sống, tăng cường sức mạnh bả vai, 2 cánh tay,...

Sự vắng lặng bao trùm đất nước 1,3 tỉ dân giữa dịch COVID-19

Thanh Chân |

Khác hẳn với vẻ nhộn nhịp thường thấy trong cuộc sống thường ngày ở Ấn Độ, sự vắng lặng đã bao trùm đất nước vì ảnh hưởng của dịch COVID-19. Đó là đường cao tốc im lặng đến lạ, không gian công cộng không còn bóng người.

Xử lý chất thải y tế giữa dịch COVID-19 thế nào để tránh lây nhiễm bệnh?

Nguyễn Hà |

Trước những diễn biến dịch COVID-19, các chất thải y tế phải được xử lý thế nào để đảm bảo an toàn? Phóng viên Báo Lao Động có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Thượng Hiền - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) để làm rõ một số vấn đề liên quan.

Cập nhật kiến thức mới cho cán bộ Công đoàn chủ chốt

Bảo Hân |

Sáng 1.10, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khai giảng lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng dành cho Công đoàn cấp tỉnh, ngành Trung ương.

Sẽ chi 865 tỉ đồng xây cầu Phong Châu mới

Xuyên Đông |

Theo thông tin từ Văn phòng Chính phủ, cầu Phong Châu (tỉnh Phú Thọ) sẽ được đầu tư xây mới với kinh phí dự kiến là 865 tỉ đồng.

Vụ cô giáo xin hỗ trợ laptop, học sinh đã đi học trở lại

Chân Phúc |

TPHCM - Số học sinh vắng học ngày 30.9, liên quan đến vụ cô giáo xin hỗ trợ laptop tại Trường Tiểu học Chương Dương đã đi học đầy đủ vào hôm nay 1.10.

Dự báo mới nhất đường đi và cường độ siêu bão số 5 Krathon

AN AN |

Cơ quan khí tượng cho biết siêu bão số 5 Krathon ở trên vùng biển đông bắc của khu vực Bắc Biển Đông sẽ di chuyển chậm theo hướng tây tây bắc trong 24 giờ tới.

Lý do người dân không đồng tình vụ bồi thường bò sữa bị chết

HOÀI THANH |

Lâm Đồng - Nhiều hộ gia đình có bò sữa bị chết sau khi tiêm vaccine phòng bệnh cho rằng, mức giá bồi thường công ty đưa ra rất thấp, khó tái đầu tư lại.