Trận bão lũ 2017 đã làm hư hỏng nặng nhiều đoạn tuyến đê sông Chu. Tỉnh Thanh Hoá đã đề xuất Chính phủ hỗ trợ kinh phí sữa chữa cấp bách. Sau khi có quyết định chấp thuận của Chính phủ, ngày 27.8.2017, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá ký quyết định giao Ban Quản lý các công trình NNPTNT Thanh Hoá (Ban QLDA) trực thuộc UBND tỉnh làm chủ đầu tư thực hiện 6 công trình trên.
3 nhà thầu thi công là Cty CP Tập đoàn Cường Thịnh Thi (Ninh Bình), Cty TNHH Tân Thành I và Cty TNHH Hoà Bình. Theo Ban QLDA, các công trình thực hiện từ tháng 4.2019 đến tháng 4.2020 nghiệm thu, đưa vào sử dụng đảm bảo tiến độ, đúng thiết kế.
Vậy nhưng mới chỉ hai tháng, rất nhiều đoạn tuyến, mặt đê đã bị phá tan nát. Nhiều đoạn đê dọc tuyến sông Chu cả bên tả và bên hữu xuống cấp nghiêm trọng. Nhiều điểm bị biến dạng hoàn toàn, xuất hiện liên tiếp những vệt lằn, lún, bong tróc, nứt gãy trên mặt đê, có đoạn kéo dài cả vài trăm mét. Những vết bánh xe hằn lún, tạo những sống trâu, những hố voi nguy hiểm.
Ban QLDA cho rằng, nguyên nhân chính dẫn đến hư hỏng trên là do xe quá tải chở cát của các mỏ cát dọc sông Chu. Theo đó, thiết kế mặt đường đê chỉ chịu tải trọng 12 tấn nhưng thường xuyên có xe chở cát có khối lượng từ 15-20m3, tổng trọng lượng khoảng 40 tấn.
Tại thời điểm tháng 9.2019, khi đang triển khai thi công đắp đất hoàn thiện mặt cắt, tình trạng xe quá khổ quá tải chở cát của các mỏ cát trên địa bàn huyện Thọ Xuân, Thiệu Hoá đã làm các nhà thầu phát hoảng.
Ngay từ khi đó, Ban QLDA đã có nhiều công văn đề nghị UBND huyện Thọ Xuân, huyện Thiệu Hoá chỉ đạo công an, UBND các xã có biện pháp ngăn ngừa xe quá tải. Vậy nhưng, nhà thầu cứ kêu, Ban QLDA cứ liên tiếp có văn bản gửi UBND 2 huyện trên nhưng tình trạng xe quá khổ quá tải chở cát vẫn cứ hoành hành.
Trả lời báo chí, ông Lê Ngọc Long - Chủ tịch UBND xã Xuân Hồng (huyện Thọ Xuân), thừa nhận tuyến đê dài khoảng 7 km qua địa bàn nhiều nơi đã xuống cấp. Cũng theo vị lãnh đạo này, về phạm vi quản lý, địa phương chỉ quản lý nhà nước về mặt hành chính, còn vấn đề xe quá khổ, quá tải thì đã có khung tải trọng và CSGT.
Còn ông Cao Bát Chí - Phó Ban QLDA cho hay, trách nhiệm thuộc về đơn vị quản lý sử dụng (tức chính quyền địa phương 2 huyện). Cũng theo ông Chí, nhà thầu họ cũng không chịu trách nhiệm vì đê xuống cấp nhanh như vậy.
Trao đổi với Lao Động, đại diện Tập đoàn Cường Thịnh Thi cũng cho rằng, họ đã làm đúng thiết kế, đúng tiến độ và đã được chủ đầu tư nghiệm thu rất cẩn thận. Tình trạng xe quá tải gấp nhiều lần thiết kế ngày đêm cày nát mặt đê như vậy thì họ cũng đành chịu.
Hết cách, gần đây nhất, ngày 29.5, ông Nguyễn Văn Nam – Giám đốc Ban QLDA lại phải gửi văn bản “cầu cứu” Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá chỉ đạo UBND huyện Thọ Xuân và Thiệu Hoá cùng các ngành chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý dứt điểm xe quá tải gây mất an toàn, hư hỏng nhiều tuyến đê.
Trong khi tỉnh Thanh Hoá chưa có biện pháp nào hữu hiệu thì mặt đê đang vỡ ra từng ngày, gây nguy hiểm an toàn cho đê trước mùa mưa bão và tính mạng người dân. Nhiều tỉ đồng trong dự án cấp bách cũng đang tan theo mặt đường.