Giải thích cho việc điểm chuẩn học bạ tăng cao đột biến, có trường điểm chuẩn tăng mức vượt trần 30 điểm cần xem xét thấu đáo nguyên nhân khách quan và chủ quan.
Về nguyên nhân khách quan là do số thí sinh đăng ký xét tuyển bằng học bạ năm 2022 tăng đột biến so với 2021, nên điểm chuẩn học bạ tăng là tất yếu. Cùng với đó, do tình hình dịch bệnh COVID-19 của ba năm học vừa qua ít nhiều ảnh hưởng đến chất lượng dạy học của thầy và trò.
Với hình thức vừa dạy học trực tuyến, trực tiếp, kết hợp trực tuyến với trực tuyến, kiểm tra, đánh giá bằng hình thức trực tuyến nên phần nào điểm số cũng có độ nhiễu nhất định.
Về chủ quan, việc kiểm tra đánh giá giữa các trường thiếu sự đồng đều, dù Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) có Thông tư 26 và Thông tư 58, hướng dẫn kiểm tra đánh giá học sinh, nhưng khi kiểm tra thường xuyên, nhất là kiểm tra giữa kì và cuối kì, mỗi trường ra đề dễ, khó khác nhau… nên điểm số học bạ cũng có sự khác nhau giữa các trường. Bởi vậy, điểm số không phải là thước đo năng lực thực tế duy nhất của học sinh được thể hiện trong học bạ.
Vậy nguyên nhân chính do đâu mà điểm chuẩn học bạ tăng đột biến? Câu trả lời do nguyên nhân chủ quan nói trên cộng với phương thức xét tuyển bằng học bạ dẫn đến hệ quả tất yếu điểm chuẩn học bạ tăng “kịch trần” là đúng với thực tế đang diễn ra.
Tình trạng nêu trên khiến phụ huynh, học sinh bức xúc và đặt ra câu hỏi về sự khách quan, công bằng trong việc tuyển sinh.
Để khắc phục thực trạng nêu trên, thứ nhất, Bộ GDĐT nên sớm bỏ phương thức xét tuyển bằng học bạ. Thay vào đó, sử dụng phương thức xét điểm thi tốt nghiệp (không tính điểm học bạ) kết hợp với thi đánh giá năng lực của các trường đại học hiện nay đã thực hiện có độ tin cậy, tín nhiệm cao trong tuyển sinh mà nhiều trường đã áp dụng.
Hơn nữa dù cùng một chương trình, tuy nhiên chất lượng giáo dục, năng lực của học sinh mỗi vùng miền lại khác nhau, học sinh miền núi không thể so sánh với học sinh đồng bằng hay học sinh nông thôn không thể sánh với học sinh thành thị… Nên việc xét tuyển bằng điểm số học bạ là chưa thực sự hợp lý.
Thứ hai, tiến tới thành lập trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục (trung tâm khảo thí) độc lập với Bộ GDĐT tiến hành kiểm tra đánh giá học sinh sau khi học xong chương trình lớp 12, lấy kết quả kiểm tra đáng tin cậy này làm một điều kiện cần để xét tuyển đại học thì dễ chấp nhận được hơn vì tính khách quan độc lập.
Thứ ba, Bộ GDĐT cần đổi mới việc thi xét tốt nghiệp THPT hiện nay, về hình thức thi nên kết hợp giữa trắc nghiệm với tự luận theo tỉ lệ 50-50, vì mỗi hình thức đều có điểm tích cực riêng nên kết hợp lại; về xét tốt nghiệp không tính 30% điểm học bạ vào điểm xét tốt nghiệp vì trình trạng làm đẹp học bạ sinh ra từ việc tính điểm xét tốt nghiệp và xét tuyển vào đại học như phân tích ở trên.
Đổi mới kiểm tra thi chính là khâu đột phá trong đổi mới dạy học. Có vậy mới hy vọng thực hiện thành công đổi mới chương trình giáo dục phổ thông 2018.