Phòng chủ nhà được coi là “chủ sơn” - chủ về nhân sự, phúc đức, chịu ảnh hưởng trực tiếp của vị trí kê giường ngủ, bàn làm việc và phương vị cửa ra vào. Phòng khách là “vượng vận” - chủ về tài lộc, sự nghiệp, với sự tác động của sôpha và bàn trà (bàn uống nước).
Sôpha được coi như “thiếu sơn” - đại biểu của “chủ sơn”, bàn trà là “cận thủy”. Nguyên lý của phong thủy Huyền không là chủ không được lấn khách, thủy không được “thượng sơn”, tôn ti trật tự được bảo đảm mới có thể sinh vượng. Theo đó bàn trà luôn phải có diện tích, hình khối nhỏ hơn và thấp hơn so với xôpha.
Về hình khối, sôpha vuông vức thể hiện ngũ hành thổ vượng. Bàn trà là đại biểu của thủy nên phải được tạo hình vượng kim, đó là hình tròn, hình bầu dục (ô van), hình chữ nhật “bo” bốn góc…
Sôpha thổ vượng sinh bàn trà kim, bàn trà kim vượng sinh thủy là nguyên lý tương sinh của ngũ hành. Ở chiều ngược lại, sôpha bao quanh bàn trà là dụng thổ khắc thủy để tụ khí thành ao hồ, làm cho thủy trong mát hữu dụng.
Gỗ tốt phải có cưa ngọt, rìu sắc thì mới có thể tạo thành rường cột; nước lớn phải có bờ vững chắc thì mới thành hồ đập mà không gây ngập úng. Đây chính là điểm vi diệu trong điệu dụng ngũ hành của phong thủy: Sinh - khắc, cương - nhu, thực - hư, cao - thấp, động - tĩnh… hài hòa hiệu dụng.
Mặt bàn dùng kính hoặc mặt gỗ sơn bóng, cạnh bàn hình bầu dục, hình tròn hoặc vê cạnh… là hình khối ngũ hành kim vượng. Kim vượng sinh thủy nên bàn trà không hết nước. Kim sinh thủy nên “động”, kết hợp với sôpha “tĩnh” tạo thành cách cục “sơn thủy hữu tình” sinh vượng cho phòng khách.
Sôpha và bàn trà không nên thiết kế quá thấp. Mặt sôpha phải cao ít nhất 40cm, vai (lưng) ghế thấp nhất phải chạm gáy người ngồi; mặt bàn trà phải cao 45cm so với mặt sàn. Nếu kê bàn trà phối hợp với sôpha thì mặt bàn trà phải cao từ 60 đến 65cm so với mặt sàn, nhưng không cao quá 83cm.
Bộ sôpha - bàn trà có nhiều hình dáng, chủng loại, kích thước khác nhau, nhưng phải thống nhất tuân thủ số món và các nguyên tắc kê đặt. Phong thủy không khuyến khích dùng bộ sôpha tổng cộng có 7 món, trong đó có sôpha liền băng thiết kế rõ 2 chỗ ngồi.
Thông thường nên chọn bộ sôpha gồm 6 món hoặc 9 món. Không thiết kế phòng khách gồm 3 hoặc 4 sôpha liền băng. Phòng khách dù rộng cũng chỉ nên kê đặt 2 sôpha liền băng, nếu đặt vuông góc với nhau thì phải có đôn “khép góc”.
Không thiết kế sôpha và bàn trà theo mô thức “vuông tròn kết hợp”. Nói cách khác, bàn trà hình tròn chỉ phù hợp với ghế đơn hoặc đệm ngồi trực tiếp trên mặt sàn.
Sôpha phải kê ở hướng tốt của gian phòng, hợp với tuổi chủ nhà, lưng ghế dựa vào tường vách. Sôpha không có “tựa” chẳng khác nào một ngọn núi giữa cánh đồng, không thể tụ khí.
Không kê đặt sôpha ngay dưới xà ngang, dầm nhà. Trường hợp không thể thay đổi vị trí, cần đặt một bồn trúc hoặc bonsai si, tùng bách trên bàn trà hoặc góc tường cạnh sôpha để hóa giải.
Không kê sôpha đối diện với cửa chính để tránh phạm quan sát, ảnh hưởng đến sức khỏe đàn ông trong gia đình, tiền bạc hao tán.
Phòng khách sử dụng hai sôpha thì phải kê đối xứng nhau và ghế ngồi của chủ nhà phải đặt ở một đầu bàn trà, sôpha hai bên trở thành “thanh long - bạch hổ”. Chủ nhà không ngồi quay lưng ra cửa phòng hoặc ngồi không có “tựa”.
Không kê đặt sôpha ngay dưới đèn hoặc quạt trần để tránh phạm “quang sát” hoặc “thiên trảm sát”, gây mất khả năng tập trung, hoa mắt chóng mặt, tâm thần bất định.
Thiên trảm sát và quang sát thường xảy ra khi dùng nhiều đèn trần hoặc lấy ánh sáng thông qua vách kính, ô thoáng trên cửa sổ…
Thiên trảm sát ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng tập trung của con người. Người sống, làm việc trong những gian phòng bị thiên trảm sát thường hay gặp sự cố khi tham gia giao thông hoặc các hoạt động đòi hỏi có sự tập trung cao. Vì thế cũng không nên treo gương, kính hoặc vật liệu có khả năng phản quang sau lưng sôpha để tránh “thiên trảm sát”.