Đến dự buổi lễ có Phó Chủ tịch Nước Nguyễn Thị Doan, Phó Chủ tịch UBNDTP Nguyễn Thị Bích Ngọc, đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành, thành phố cùng đông đảo du khách thập phương.
Sử sách ghi lại rằng, mùa xuân năm Canh Tý (năm 40 sau công nguyên), tại cửa sông Hát (xã Hát Môn, huyện Phúc Thọ, HN), Trưng Trắc cùng em gái Trưng Nhị đã phát động khởi nghĩa nhằm đánh đuổi giặc Đông Hán. Đây cũng là nơi hai bà gieo mình tự vẫn để bảo toàn khí tiết khi bị yếu thế trước quân giặc vào ngày 6.3 năm Quý Mão (năm 43 sau công nguyên).
Tại Hà Nội có nhiều đền thờ hai bà Trưng. Đền thờ Hai Bà Trưng ở Hát Môn được coi là nơi thánh tích. Đền thờ Hai Bà Trưng ở phố Đồng Nhân (quận Hai Bà Trưng) được coi là nơi hiển tích. Còn đền Hai Bà Trưng ở Mê Linh là nơi hai bà sinh ra và đóng đô. Ngoài lễ hội vào ngày 6.3 âm lịch, nhân dân Hát Môn còn tổ chức lễ hội vào ngày 4.9 và 24 tháng chạp.
Ngày 4.9 là ngày kỷ niệm hai bà tế cờ khao quân. Trong ngày này, dân làng kéo cờ đại, giết trâu, giết bò, lợn, dê để tế lễ. Lễ Mộc dục - 24 tháng chạp là ngày hội lớn, hàng trăm trai thanh, gái lịch trong làng được tuyển chọn phù giá, 8 thiếu nữ được chọn theo hầu kiệu hai bà.
Sau lễ khai mạc, Phó Chủ tịch Nước Nguyễn Thị Doan cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nhân dân dâng hương, trồng cây lưu niệm tại đền thờ Hai Bà Trưng.