Trung Quốc vận động hành lang
Hội đồng Trọng tài của PCA đang chuẩn bị ra phán quyết về vụ kiện. Theo quy định, tuyên của Tòa là cuối cùng, không được chống án, trừ trường hợp trước khi xử hai bên đồng ý cho phép chống án. Hai bên bắt buộc phải thi hành quyết định của Tòa. Hai bên chỉ có quyền yêu cầu giải thích thêm nếu phán quyết của Tòa không rõ ràng. Tất nhiên, Liên Hợp Quốc không có cơ chế để thực hiện quyết định của mình và đây là một khó khăn cho giai đoạn thi hành án.
Trong lúc này, Trung Quốc vận động hành lang rất mạnh khiến nhiều người lo ngại có thể ảnh hưởng đến phán quyết của PCA. Tuy nhiên tôi cho rằng lo ngại này không có cơ sở. Mặc dù Trung Quốc ráo riết triển khai chiến dịch với nhiều thủ thuật, thủ đoạn: Vừa vận động, mua chuộc, lừa bịp, vừa đe dọa, gây sức ép… nhưng hầu như chưa thu phục được ai. Nhưng điều này không ảnh hưởng gì đến PCA và phán quyết của Hội đồng Trọng tài.
Những hoạt động vận động hành lang của Trung Quốc chống lại PCA và phán quyết của Tòa cho thấy, Trung Quốc vẫn cần thể diện, vẫn còn biết sợ dư luận, sợ bị cô lập. Chỉ có điều phản ứng của họ càng làm cho tình trạng tồi tệ hơn chứ không thể ảnh hưởng đến phán quyết của PCA. Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản đều đã lên tiếng ủng hộ phán quyết của PCA và kêu gọi Trung Quốc tuân thủ.
Theo tôi, sẽ không có lực cản nào có thể ngăn cản được tiến trình ra phán quyết với nội dung theo hướng có lợi cho Philippines. Tuy nhiên, thời gian ra phán quyết có thể kéo dài hơn so với dự kiến và nội dung phán quyêt có thể không đề cập đầy đủ cả 3 nội dung mà Hội đồng Trọng tài đã xác định sẽ xem xét: Yêu sách đường chín đoạn Trung Quốc đưa ra dựa trên “quyền lịch sử”; Một số thực thể mà cả Philippines lẫn Trung Quốc yêu sách là đảo, đá, bãi cạn lúc nổi lúc chìm hay bãi ngầm nằm hoàn toàn dưới mực nước biển, trên cơ sở đó để xác định hiệu lực pháp lý của các thực thể này đến đâu (có hay không có lãnh hải 12 hải lý, vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý); Philippines yêu cầu PCA tuyên bố Trung Quốc đã vi phạm UNCLOS.
Về nội dung phán quyết, theo phán đoán cá nhân, nhiều khả năng PCA sẽ ra phán quyết cụ thể về tính bất hợp pháp của đường lưỡi bò và các hoạt động phá vỡ hiện trạng, quân sự hóa Biển Đông, phá hủy môi trường biển và ngăn chặn sinh kế của Philippines.
Riêng nhóm nội dung liên quan đến việc áp dụng, giải thích UNCLOS về hiệu lực của các thực thể thì có thể PCA sẽ ra một phán quyết “trung dung” đối với một số thực thể, tức không thừa nhận cũng không phủ nhận mà sẽ chờ đợi điều tra thêm. Bởi lẽ như phân tích phía trên, việc xác định các tiêu chí hiệu lực cho các thực thể ở Trường Sa là vô cùng khó khăn. Không chỉ bởi điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, mà quan trọng hơn là tình trạng tranh chấp và đặc biệt là cấu trúc, địa hình địa mạo bị biến dạng bởi bàn tay con người, cụ thể nhất là các công trình xây đảo nhân tạo của Trung Quốc.
Do đó xác định, xác minh các tiêu chí thế nào là thích hợp cho con người sinh sống, thế nào là đời sống kinh tế riêng là những vấn đề kỹ thuật thuần túy, nhưng trong bối cảnh hiện nay xác minh nó không phải việc dễ dàng.
Còn đường lưỡi bò và các hành động leo thang của Trung Quốc phá vỡ hiện trạng, phá hủy môi trường, leo thang quân sự hóa Biển Đông, đe dọa và ngăn chặn sinh kế của ngư dân Philippines thì đã quá rõ.
Thứ nhất, rõ ràng, điển hình, quan trọng và sâu sắc chính là việc thu hẹp đáng kể các tranh chấp mà Trung Quốc cố tình tạo ra ở Biển Đông, nhất là “đường lưỡi bò”. Có thể nói đây là trung tâm của vụ kiện Philippines đệ trình lên PCA.
Phán quyết này sẽ thu hẹp đáng kể tranh chấp trên Biển Đông. Tất nhiên với những gì Trung Quốc thể hiện thì có thể đoán trước nước này sẽ bất chấp phán quyết của Tòa và leo thang hơn, phiêu lưu hơn, hung hãn hơn trên Biển Đông. Để buộc Trung Quốc từ bỏ yêu sách phi lý, tuân thủ phán quyết của Tòa không phải là điều dễ dàng. Nhưng, việc khiến Trung Quốc đối mặt với một vụ kiện, hoặc bị phán quyết thua, cũng có tác động không nhỏ đến hình ảnh của Trung Quốc. Đồng thời, điều này sẽ luôn là bằng chứng khẳng định tuyên bố “trỗi dậy hòa bình” của Trung Quốc thực chất chỉ là lời nói dối. Trong cục diện Trung Quốc muốn tranh giành ảnh hưởng với các cường quốc trên thế giới như Mỹ, Nhật, EU... thì đây sẽ là đòn đả kích không nhỏ vào những lời nói của Trung Quốc trên trường quốc tế.
Thứ hai, việc xác định hiệu lực của một số thực thể ở Trường Sa cũng góp phần rất lớn vào việc thu hẹp tranh chấp. Bởi vì, để hiện thực hóa đường lưỡi bò, Trung Quốc sẽ tìm cách áp đặt yêu sách 200 hải lý vùng đặc quyền kinh tế đối với Hoàng Sa, Trường Sa, Scarborough và bãi ngầm Macclesfield. Âm mưu ấy được thể hiện ngay từ tên gọi Trung Quốc gán cho bãi cạn Scarborough là “đảo Hoàng Nham” hay bãi ngầm Macclesfield hoàn toàn chìm dưới mặt nước Biển Đông là “quần đảo Trung Sa”.
Do đó, phán quyết của Tòa PCA với một số thực thể mà Philippines đề xuất sẽ góp phần bẻ gãy âm mưu, thủ đoạn này và gợi mở cho các bên tiếp tục công cuộc đấu tranh loại bỏ “đường lưỡi bò” phi pháp bằng con đường pháp lý.
Thứ ba, Việt Nam sẽ tập hợp được sức mạnh khu vực và quốc tế để chống lại các âm mưu, hành động của Trung Quốc hòng độc chiếm Biển Đông thành ao nhà. Vừa qua dư luận đã chứng kiến, lâu nay Malaysia và Indonesia thường im lặng trước các hành vi bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông, nhưng nay họ cũng đã phải lên tiếng để công phá “đường lưỡi bò” vì lợi ích sát sườn của họ…
1. Trước tình hình trên, các nước Đông Nam Á có liên quan đến Biển Đông cần nhận định lại về cách hành xử của Trung Quốc để từ đó có tiếng nói chung mạnh mẽ hơn, nếu muốn ngăn chặn được “con bạch tuộc” khổng lồ này tiếp tục tiến sâu vào những vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán hợp pháp để hút cạn nguồn tài nguyên thiên nhiên; chiếm đoạt, cắt đứt nguồn sống của cả cộng đồng quốc gia, khu vực…
2. Hành động kéo giàn khoan vào vùng biển thuộc quyền chủ quyền của Việt Nam là một hành động vi phạm luật pháp một cách trắng trợn. Một trong những việc làm quan trọng của chúng ta lúc này là phải để cho dư luận thế giới hiểu rõ rằng các quyền hợp pháp của Việt Nam tại Biển Đông đến đâu và những hành động của Trung Quốc đã bất hợp pháp như thế nào. Công việc tuyên truyền này cần được đẩy mạnh và tiến hành thường xuyên. Trước mắt, chúng ta nên chủ động tuyên truyền về vụ kiện này cũng như những diễn biến của phán quyết PCA sắp diễn ra mà hiện nay trong dư luận đang có những nhận thức khác nhau. Tìm hiểu cặn kẽ vụ kiện của Philippines không chỉ giúp chúng ta tự tin đưa ra phản ứng phù hợp, công khai ủng hộ và bảo vệ phán quyết của PCA mà không phải lo ngại về vấn đề tranh chấp chủ quyền các thực thể ở Trường Sa với Philippines hay Malaysia…
3. Tiếp tục có những phản ứng ngoại giao mạnh mẽ, hiệu quả, trên cơ sở đảm bảo thực hiện chính sách ngoại giao đúng đắn của Đảng và Nhà nước Việt Nam trong quan hệ với các nước láng giềng trong khu vực và quốc tế.
4. Và, có lẽ đã đến lúc Việt Nam nên triển khai mặt trận đấu tranh pháp lý mạnh mẽ hơn, thiết thực cụ thể hơn, bằng cách trước hết phải huy động được đội ngũ luật gia, luật sư Việt Nam có trình độ, có kinh nghiệm ở trong và ngoài nước và tranh thủ sự giúp đỡ của các luật sư người nước ngoài, để cùng xúc tiến hoàn thiện quá trình kiện Trung Quốc ra các cơ quan tài phán quốc tế theo đúng thủ tục và nội dung mà Công ước Luật Biển của LHQ 1982 đã quy định. Đây là việc làm cần thiết, thích hợp và là thế mạnh của Việt Nam trong tình hình hiện nay.
Để làm được việc này, đội ngũ luật gia, luật sư phải là lực lượng nòng cốt, là những chiến sĩ tiên phong trên mặt trận pháp lý. Hội Luật gia Việt Nam, Liên đoàn Luật sư Việt Nam cần phát huy vị trí, vai trò của mình với tư cách là những tổ chức xã hội, nghề nghiệp, để đảm nhiệm trọng trách này trước quốc gia, dân tộc, không nên chỉ dừng lại ở những hoạt động mang ý nghĩa chính trị, hình thức chung chung… Nhà nước cần đầu tư và tạo điều kiện cho giới luật gia và luật sư Việt Nam tham gia vào mặt trận đấu tranh pháp lý hết sức khó khăn phức tạp này. Nên chăng cần có một hình thức tổ chức thích hợp để tạo điều kiện cho các luật gia, luật sư, chuyên gia trong và ngoài nước cùng hợp tác làm việc, nghiên cứu tập trung, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, chấm dứt tình trạng manh mún như hiện nay.