>>> Tranh chấp chung cư như “con kiến kiện củ khoai”
>>> Muôn kiểu tranh chấp chung cư: Khi khu đô thị đáng sống không còn đáng sống
>>> Có thể truy tố hình sự nếu chủ đầu tư trây ỳ 2% quỹ bảo trì chung cư
Mất ăn mất ngủ vì chỗ để xe
Sinh sống ổn định tại một chung cư trên quận Hoàng Mai, Hà Nội thì bất ngờ một ngày chị C bị chủ đầu tư tòa nhà khóa thẻ xe 2 bánh của gia đình.
Chị cho biết: "Thẻ của chồng tôi trong buổi sáng vẫn đi xe ra bình thường nhưng chiều về thì kêu mất dữ liệu. Hôm sau thì đến lượt tôi. Thay vì được trông giữ xe theo quyền lợi chính đáng của cư dân, hiện gia đình tôi phải để xe ở phía ngoài barie hầm gửi xe và đối mặt với nguy cơ hư hỏng, mất cắp tài sản".
Theo chị C, UBND quận đã yêu cầu phía chủ đầu tư giữ nguyên việc trông giữ xe 2 bánh và miễn phí 2 xe cho mỗi căn hộ của cư dân, đồng thời thu phí trông giữ theo quy định đối với xe thứ 3 trở đi cho đến khi ban quản trị và chủ đầu tư hoàn thành công tác bàn giao diện tích để xe 2 bánh tại tầng hầm chung cư.
Tuy nhiên trong khi gia đình chị cũng như nhiều cư dân khác tuân thủ theo quyết định của Chính quyền địa phương thì chủ đầu tư lại làm ngược lại. Mâu thuẫn này hiện chưa được giải quyết ổn thoả và những lá đơn thư vẫn chưa tới hồi kết.
Còn anh Hoàng Việt Huy chọn mua căn hộ chung cư tại một dự án ở Gia Lâm, cách xa trung tâm nơi mình làm việc với mong muốn có không gian thoáng đãng hơn. Tuy nhiên bất cập dần lộ diện sau khi anh chuyển về ở một vài tháng.
"Hầm gửi ôtô không đủ chỗ cho cư dân khiến xe đậu dọc quanh đường nội khu. Ban quản lý chưa nhất quán trong quản trị, nay thì kẻ ô, mai thì xoá ô. Thậm chí có thời điểm còn lấy hàng rào barie chăng dây một cách đầy thô sơ để lấn chiếm lòng đường. Tất cả các lòng đường đều bị chăng dây chiếm tới 1/3 gây nguy hiểm và bất tiện cho người người di chuyển" - anh Huy chia sẻ.
Cần giải quyết trên tinh thần thượng tôn pháp luật
Tranh chấp về chỗ để xe như trên chỉ là một trong hàng loạt mâu thuẫn phổ biến giữa cư dân và ban quản trị. Báo cáo của Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) đã chỉ ra 7 nhóm tranh chấp điển hình tại các tòa chung cư.
Một là tranh chấp xảy ra khi chung cư bị siết nợ do chủ đầu tư đem thế chấp ngân hàng. Hai là chậm tổ chức hội nghị nhà chung cư. Ba là quỹ bảo trì tòa nhà bị chủ đầu tư hoặc ban quản trị chiếm dụng, trục lợi. Bốn là liên quan đến dịch vụ quản lý vận hành về phí, chất lượng dịch vụ, thu chi. Năm là liên quan đến sở hữu chung - riêng. Sáu là xoay quanh chất lượng công trình. Cuối cùng là tranh chấp về việc chậm giao căn hộ và sổ hồng.
Luật sư Huỳnh Văn Nông - Đoàn Luật sư TPHCM, - cho biết, chủ đầu tư "om" tiền quỹ bảo trì vẫn là tranh chấp phổ biến nhất. Hành vi này của chủ đầu tư có dấu hiệu phạm tội hình sự, có thể thuộc một trong ba tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, chiếm giữ trái phép tài sản hoặc sử dụng trái phép tài sản nên cần cơ quan điều tra vào cuộc.
Để giải quyết vấn đề nan giải này, luật sư Nguyễn Minh Tuấn - Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội - cho rằng, cần sớm rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật để điều chỉnh trúng, đúng các tranh chấp, bất cập hiện nay trong việc quản lý vận hành các tòa nhà/cụm tòa nhà chung cư trên phạm vi cả nước và có chế tài đủ mạnh để xử lý. Đặc biệt cần gấp rút xem xét ban hành Nghị định Quản lý nhà chung cư.
Đồng thời cũng cần có chế tài xử lý nghiêm với các chủ đầu tư dự án nhà chung cư vi phạm trong lĩnh vực quản lý nhà chung cư, đặc biệt trong việc chậm bàn giao quỹ bảo trì cho ban quản trị. Giải quyết xung đột giữa các chủ thể liên quan trên nguyên tắc thượng tôn pháp luật nhằm đảm bảo quyền lợi các bên.
Bên cạnh đó cần xem xét việc yêu cầu bắt buộc có đơn vị quản lý chuyên nghiệp ngay từ khi chủ đầu tư dự án đưa cư dân vào ở. Chủ đầu tư cũng phải minh bạch mọi thông tin liên quan đến khả năng phát sinh xung đột trong tương lai.