Từ cuối năm 2020 đến những tháng đầu năm 2021, hầu hết các tỉnh thành, ở đâu cũng xôn xao về câu chuyện giá đất tăng với các giao dịch bất thường, kèm theo nhiều hệ quả.
Chính quyền nhiều nơi cũng như các bộ ngành cũng đã có nhiều văn bản để chấn chỉnh. Tuy nhiên, một thực tế làn sóng sốt đất không hề dễ để kiểm soát chút nào.
Tại tọa đàm “Giải mã cơn sốt đất” ở Hà Nội vào ngày 9.4, ông Lê Văn Bình - Cục trưởng Cục Kinh tế và Phát triển quỹ đất, Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ TN&MT) cho rằng, nhìn từ góc độ nhà quản lý, cơn sốt đất thường có chu kì, cứ khoảng 10 năm lại có 1 cơn sốt đất và trải qua mỗi lần như vậy lại tạo lập một mặt bằng giá mới, gây khó khăn cho nhà đầu tư khi muốn tiếp cận đất đầu tư. Cơn sốt đất lần này có nhiều nguyên nhân, trong đó có những nguyên nhân cộng hưởng. Yếu tố đầu tiên là do quy hoạch.
Ông Bình cho rằng, trước đây khi chưa có Luật Quy hoạch, chúng ta có các quy hoạch ngành, quy hoạch địa phương với các kì khác nhau. Nhưng lần này khi có Luật Quy hoạch, các địa phương và trung ương đồng bộ thống kê hiện trạng để hoạch định ra các kịch bản cho tương lai. Do đó, khi các thông tin về việc dự kiến xây dựng công trình, quy hoạch khu đất mới được đưa ra bàn thảo, người dân sẽ phát sinh tâm lý đất ở khu vực nào đó có giá…
Yếu tố thứ hai, theo vị này là vấn đề tài chính. Năm vừa rồi do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhiều ngành nghề bị ảnh hưởng nặng nề dẫn đến việc lãi suất ngân hàng xuống thấp, dòng tiền sụt giảm. Vì thế, người dân thay vì gửi tiền tiết kiệm sẽ chuyển sang tìm kiếm các kênh đầu tư khác sinh lời hơn. Mà năm vừa qua, bất động sản và chứng khoán là hai lựa chọn thu hút nhất.
Nói về hệ lụy cơn sốt đất, luật sư Trần Thanh Quyết cho rằng, hệ lụy của cơn sốt đất rất lớn, nguồn vốn đầu tư bằng vốn nhàn rỗi trên thực tế rất ít trong khi chủ yếu là nguồn vốn đi vay dẫn đến tính trạng nợ xấu, mất thanh khoản của nhà đầu tư khi đầu tư vào một thị trường không minh bạch, dựa trên tin đồn và thiếu cơ sở pháp lý.
Trong khi đó, dưới góc độ pháp lý, tình trạng tranh chấp đất đai do cơn sốt đất mang lại tăng cao, nguồn lực của hệ thống tư pháp để giải quyết rất lớn. Chính vì vậy, việc này kéo theo nhiều hệ lụy về pháp lý đối với không chỉ nhà đầu tư mà còn lãng phí nguồn lực của toàn xã hội.
“Việc tạo ra các mặt bằng giá mới không đúng với giá trị thực dẫn đến biến dạng thị trường và người mua bán cuối cùng trong cơn sốt đất chịu toàn bộ rủi ro”, luật sư Quyết nói.
Trong khi đó, KTS Phạm Thanh Tùng cho biết, giá đất ảo nhưng tiền phải bỏ ra là thật. “Lợi nhuận từ đất vô cùng lớn. Tôi cho rằng, trách nhiệm thuộc về chính quyền. Khi thấy sai cần chấn chỉnh, xử lý ngay chứ không để tình trạng xây dựng trái phép tràn lan để mua bán bất hợp pháp”, ông Tùng nói.