Đó là nội dung được nêu trong báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII do Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải trình bày tại phiên họp của Ủy ban thường vụ Quốc hội chiều 5.10.
Báo cáo nêu rõ: Chính phủ, các bộ, cơ ngang bộ tuy đã kịp thời tiếp thu, nghiên cứu giải quyết và trả lời kiến nghị của cử tri nhưng vẫn còn hiện tượng quá chú trọng tới việc trả lời cử tri mà chưa chú trọng, quan tâm thỏa đáng tới việc giải quyết các kiến nghị của cử tri.
Việc giải quyết 277 kiến nghị của cử tri gửi tới các kỳ họp trước còn tồn đọng, mặc dù các bộ, ngành đã có văn bản trả lời với cử tri là đang tiếp thu giải quyết, tuy nhiên tính đến thời điểm này vẫn còn 142 kiến nghị chưa được giải quyết dứt điểm. Có những văn bản hướng dẫn thực hiện luật, pháp lệnh hoặc các thông tư hướng dẫn Nghị định không còn phù hợp với thực tiễn, nhưng chậm được sửa đổi, bổ sung mặc dù cử tri liên tục kiến nghị ở nhiều kỳ họp, tính đến thời điểm này còn 75 văn bản chưa được ban hành.
Chất lượng văn bản hướng dẫn thi hành Luật, pháp lệnh vẫn còn những hạn chế nhất định, tình trạng chính sách vừa ban hành, nhưng không phù hợp với thực tiễn đã phải xem xét sửa đổi, bổ sung chưa được khắc phục.
Một số bộ ngành tránh việc để tồn đọng kiến nghị cử tri nên chỉ quan tâm đến việc trả lời cử tri mà chưa chú trọng đến việc xử lý, giải quyết các kiến nghị cử tri, đặc biệt là việc phải ban hành mới, sửa đổi, hoàn thiện chính sách pháp luật; nhiều kiến nghị của cử tri yêu cầu các cơ quan nhà nước phải giải quyết các vấn đề dân sinh, bức xúc, nhưng nội dung trả lời các kiến nghị này lại chưa thật sự rõ ràng, thiếu lộ trình cụ thể hoặc chỉ viện dẫn văn bản quy phạm pháp luật đã cũ, không còn phù hợp nên không giải quyết được vấn đề, chưa đáp ứng được yêu cầu nguyện vọng của cử tri như tại một số văn bản trả lời của các bộ: Kế hoạch và đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải, Công Thương, Tài Nguyên và Môi trường, Nội vụ và một số bộ, ngành khác…
Báo cáo nhấn mạnh: Có những văn bản không trả lời thẳng vào nội dung kiến nghị của cử tri mà lại trả lời chung chung, trả lời không đúng kiến nghị cần giải quyết, không đưa ra lộ trình và biện pháp giải quyết. Vì vậy, cử tri lại tiếp tục có kiến nghị như: nội dung trả lời của Bộ Kế hoạch và đầu tư về bố trí vốn từ nguồn vốn Trái phiếu Chính phủ để tiếp tục thực hiện các dự án bị đình hoãn còn dang dở; trả lời của Bộ Công Thương về quản lý thị trường, phòng chống hàng nhái, hàng giả, gian lận thương mại; về trách nhiệm trong triển khai thực hiện dự án đầu tư mở rộng khu gang thép Thái Nguyên; trả lời của Bộ Y tế về nội dung quản lý, kiểm tra và xử lý vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm; trả lời của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về xử lý vi phạm về phân bón giả, thuốc bảo vệ thực vật kém chất lượng; trả lời của Bộ Tài nguyên và Môi trường về xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm gây ô nhiễm môi trường, khai thác khoáng sản, khai thác cát, đá, sỏi v..v.
“Việc ban hành văn bản trả lời kiến nghị cử tri là trách nhiệm của bộ trưởng, trưởng ngành, tuy nhiên vẫn còn hiện tượng ở một số bộ, ngành, bộ trưởng, trưởng ngành không trực tiếp trả lời kiến nghị cử tri mà lại giao cho cấp phó trả lời là chưa thể hiện hết trách nhiệm của bộ trưởng, trưởng ngành đối với cử tri và nhân dân cả nước như: Bộ Lao động, Thương binh và xã hội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban Dân tộc,..” – bà Hải nêu rõ.
Clip Phiên họp của Ủy ban TVQH.