Công nhân mất việc: Chạy xe ôm, bán vé số để lo cho cuộc sống

Nam Dương - Đình Trọng - Hà Anh Chiến |

Do dịch COVID-19 nên bị mất việc hoặc giảm giờ làm khiến thu nhập bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nhiều người lao động phải thắt chặt chi tiêu, ở ghép phòng trọ và làm thêm các nghề như chạy xe ôm, bán vé số... để lo cho cuộc sống gia đình.

Nhiều cách để đi qua thời gian dịch bệnh

Ở giữa TP.Thuận An, Bình Dương, nhiều tháng nay, chị Nguyễn Thị Liên (45 tuổi, quê An Giang) - công nhân (CN) đóng gói công ty (Cty) may mặc phải thắt chặt chi tiêu để cả gia đình có thể trang trải vượt qua khó khăn. Chị Liên cho biết, dịch bệnh kéo dài khiến Cty khan hiếm đơn hàng, thông báo giảm giờ làm, có ngày chỉ làm 6 giờ, có tuần chỉ làm 5 ngày. Mỗi tháng thu nhập giảm hơn 2 triệu đồng so với năm trước. Hiện, một tháng lương của chị chỉ được hơn 5 triệu đồng.

“Không tăng ca, giảm giờ làm, giảm thu nhập. Mọi chi tiêu trong gia đình tôi phải thắt chặt lại. Tiền ăn phải tằn tiện, anh em ở gần thì nấu cơm chung để tiết kiệm. Nếu có thể, anh em ghép phòng để giảm chi phí tiền trọ” - chị Liên chia sẻ cách tiết kiệm để đi qua thời gian dịch bệnh. Hiện trong phòng trọ chưa đầy 20m2 có 5 người gồm cả con, cháu của chị Liên cùng ở.

Tại phường An Phú, TP.Thuận An, 3 tháng nay do chưa tìm được việc làm mới, anh Huỳnh Văn Chung (42 tuổi, quê Cà Mau) phải chạy xe ôm để có thu nhập trang trải cuộc sống.

“Cả gia đình ở trong phòng trọ 15m2, mỗi tháng tiền thuê 1,6 triệu đồng. Chi phí mấy tháng dịch bệnh chủ yếu phụ thuộc vào phần lương của vợ làm việc tại Cty may mặc. Tôi bị mất việc làm từ cuối tháng 3.2020, chạy xe ôm là công việc tạm thời để có thêm thu nhập trang trải cuộc sống lúc này” - anh Chung cho hay.

Đi bán vé số

Chị Trần Thị Kim Hương - CN Cty TNHH May Thêu Vĩnh Dương - vừa qua được LĐLĐ quận Tân Phú (TPHCM) hỗ trợ 5 triệu đồng thêm vào với số tiền tích lũy 2,9 triệu đồng để mua xe máy điện đi làm. Gia cảnh chị Hương hết sức khó khăn. Một lần mẹ và anh của chị ở quê lên thăm, trên đường về hai người bị tử vong do tai nạn giao thông. Do đó, chị Hương phải lo toan cho gia đình nên rất vất vả.

Sau giờ làm việc tại Cty, chị lại phải bươn chải đi bán vé số kiếm thêm tiền sinh sống. Quãng đường đi làm từ nhà đến Cty như dài thêm với chiếc xe đạp cũ của chị. Nhờ được hỗ trợ 5 triệu đồng, cộng với số tiền tích lũy, chị mua được xe máy điện nên đi làm đỡ vất vả.

Chị Cao Thị Mỹ Hạnh - CN Cty TNHH May Thời trang Gia Phú (quận Tân Phú) - bị giảm giờ làm. Còn chồng chị là anh Nguyễn Trường Giang cùng làm chung Cty nhưng hiện đã mất việc. Công đoàn cơ sở (CĐCS) Cty May Thời trang Gia Phú đã đề xuất và được LĐLĐ quận Tân Phú hỗ trợ cho chị Hạnh 5 triệu đồng và CĐCS hỗ trợ cho chị Hạnh 1,5 triệu đồng. Với số tiền được hỗ trợ tổng cộng 6,5 triệu đồng, chị Hạnh mua một máy may và được Cty tạo điều kiện cho nhận hàng về may ở nhà để bù đắp vào phần tiền lương bị thiếu hụt. Nhờ đó, gia đình chị Hạnh bớt được phần nào khó khăn.

Mất đi công việc với thu nhập tốt mà CN đã gắn bó hơn chục năm qua, hiện tại, rất nhiều CN bị mất việc ở Đồng Nai đều là CN lớn tuổi (ngoài 45 tuổi trở lên). Do đó, việc tìm kiếm công việc mưu sinh sau khi bị mất việc làm càng trở nên khó khăn hơn.

Chị Lê Thị Lan (45 tuổi, ngụ phường Trảng Dài, TP.Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai) đã làm CN cho Cty TNHH Tomiya Summit Garment Export (KCN Long Bình, TP.Biên Hoà, Đồng Nai) gần 15 năm, mức thu nhập hơn 10 triệu đồng/tháng, nhưng cũng không tránh khỏi hoàn cảnh bị mất việc làm.

Chị Lan có hoàn cảnh rất khó khăn. Chồng chị mất cách đây nhiều năm do tai nạn giao thông, mẹ chồng chị Lan cũng mới mất. Một mình chị Lan phải cáng đáng công việc trong nhà và kiếm tiền để nuôi con. Từ khi bị mất việc đến nay đã 2 tháng, chị Lan chưa tìm được công việc phù hợp.

“Cách đây 1 tháng, tôi có làm cho một Cty ở gần nhà, mức thu nhập trên 5 triệu đồng/tháng nhưng khoán theo sản phẩm. Một ngày tôi phải cắt 200 cái áo gió, hôm nào cũng 6-7 giờ tối mới xong việc để về nhà. Có hôm gặp phải những đơn hàng khó, tôi phải làm việc đến 11 giờ đêm. Vậy nhưng Cty cũng không hỗ trợ tiền tăng ca. Áp lực quá không chịu được, tôi đã xin nghỉ việc. Giờ tôi ở nhà để làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp, rồi kiếm nghề khác để đi làm” - chị Lan nói.

Nam Dương - Đình Trọng - Hà Anh Chiến
TIN LIÊN QUAN

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước viếng phu nhân Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Vương Trần |

Thường trực Ban Bí thư Lương Cường và nhiều lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã tới viếng Phó Giáo sư Đặng Bích Hà - phu nhân Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Vi phạm tại dự án khu đô thị mới Hạ Đình khắc phục đến đâu?

Nhóm Phóng viên |

Như Lao Động đã thông tin, chủ đầu tư dự án khu đô thị mới Hạ Đình để xảy ra việc làm mất bản vẽ cơ sở, chậm thực hiện nhà ở xã hội, nhà trẻ, khu khám bệnh.

Cốm Hà Nội vào mùa, khách săn lùng từ xưởng ra phố

Việt Anh - Hoàng Xuyến |

Đã từ lâu, cốm như trở thành nét đặc trưng của mùa thu Hà Nội. Chính vì vậy, cứ mỗi độ thu về, người dân Thủ đô lại săn lùng, tìm mua cốm để thưởng thức.

Israel tuyên bố diệt thủ lĩnh Hezbollah Nasrallah

Thanh Hà |

Quân đội Israel thông báo ngày 28.9 về việc tiêu diệt thủ lĩnh Hezbollah Hassan Nasrallah trong cuộc không kích lớn vào Beirut, Lebanon.

Tạm ngưng bố trí đứng lớp với cô giáo xin hỗ trợ laptop

Chân Phúc |

TPHCM - Cô T.P.H, cô giáo chủ nhiệm lớp 4/3, Trường Tiểu học Chương Dương bị tạm ngưng bố trí đứng lớp trong thời gian xử lý vụ việc.

Trực tiếp bóng đá Hoàng Anh Gia Lai 0-0 Nam Định: Hiệp 1

NHÓM PV |

Trực tiếp trận đấu giữa Hoàng Anh Gia Lai và Nam Định tại vòng 3 V.League 2024-2025, diễn ra lúc 17h00 hôm nay (28.9).

Đề xuất ký hợp đồng với đăng kiểm viên hưởng án treo

Minh Hạnh |

Hà Nội – Nhằm tránh ùn tắc vào dịp cuối năm, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội đã đề nghị cho phép các đăng kiểm viên đang hưởng án treo được làm việc.

Bộ Xây dựng đề nghị làm rõ vụ người nước ngoài sống ở NOXH

Trần Tuấn - Cao Nguyên |

Bộ Xây dựng đề nghị UBND 2 tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh kiểm tra, làm rõ và giải quyết vụ người nước ngoài sống ở nhà ở xã hội (NOXH) mà Lao Động phản ánh.