Đó là chia sẻ của bà Nguyễn Thị Xuân - Phó Giám đốc BHXH tỉnh Đắk Lắk với Báo Lao Động liên quan đến quá trình cơ quan BHXH hoàn thiện hồ sơ chuyển LĐLĐ tỉnh khởi kiện ra tòa những chủ sử dụng lao động có hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN.
Bà Nguyễn Thị Xuân - Phó Giám đốc BHXH tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: H.L |
Việc phối hợp giữa BHXH và LĐLĐ tỉnh Đắk Lắk để hoàn tất hồ sơ khởi kiện những doanh nghiệp nợ BHXH, BHYT, BHNT kéo dài được thực hiện như thế nào?
- Căn cứ vào Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 và có hiệu lực thi hành đầu năm 2016 thì tổ chức công đoàn có quyền khởi kiện hành vi vi phạm pháp luật về BHXH ra tòa. Đối với cơ quan BHXH, chúng tôi luôn đồng hành cùng Công đoàn Đắk Lắk thông qua việc ký kết các quy chế phối hợp trao đổi, cung cấp thông tin để tổ chức công đoàn khởi kiện ra tòa.
Hằng tháng, hằng quý, cơ quan BHXH đều lập danh sách các đơn vị nợ BHXH, BHYT, BHTN kéo dài và sau đó gửi LĐLĐ tỉnh xem xét khả năng khởi kiện. Từ năm 2016 đến nay, chúng tôi đã chuyển hồ sơ của 26 đơn vị nợ khó đòi cho LĐLĐ tỉnh khởi kiện; năm 2016 chuyển 18 hồ sơ với số tiền nợ 11,8 tỷ đồng và đầu năm 2017 đến nay đã gửi 8 hồ sơ với tiền nợ 1,6 tỷ đồng.
- Tình hình trốn đóng, nợ đóng BHXH, BHYT, BHTN trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk hiên đang diễn ra rất gây gắt. Nhiều doanh nghiệp ngoài quốc doanh, Cty cầu đường, Cty xây dựng… vẫn cố tình trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN, không quan tâm đến quyền lợi của người lao động như ảnh hưởng đến quyền lợi khi NLĐ nghỉ hưu, các chế độ ốm đau, nghỉ thai sản…
Mặc dù cơ quan BHXH tỉnh linh động trong phương thức thu nhưng vẫn có trường hợp chủ sử dụng lao động trốn đóng bảo hiểm cho NLĐ. Đối với những trường hợp trốn đóng này, mức lãi xuất sẽ cao gần gấp đôi so với lãi suất liên ngân hàng nhưng nhiều doanh nghiệp sẵn sàng chây ì, không đóng BHXH, BHYT, BHTN.
Từ thực trạng này, sau khi xem xét hồ sơ và tìm hiểu nguyên nhân, cơ quan BHXH tổ chức những buổi làm việc với chủ sử dụng lao động để phân tích những hệ lụy của việc trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN đối với doanh nghiệp và NLĐ. Quá trình làm việc nếu không có sự thống nhất, chúng tôi sẽ chuyển hồ sơ sang LĐLĐ tỉnh để công đoàn khởi kiện ra tòa.
Một buổi tuyên truyền về pháp luật BHXH, BHYT, BHTN do LĐLĐ tỉnh và BHXH tỉnh Đắk Lắk phối hợp tổ chức. Ảnh: H.L |
Lâu nay, cơ quan BHXH và LĐLĐ tỉnh Đắk Lắk thường xuyên phối hợp tuyên truyền, đối thoại về các vấn đề liên quan đến pháp luật BHXH, BHYT, BHTN đến từng cấp công đoàn cơ sở. Dự kiến trong năm 2017, 2 đơn vị sẽ tổ chức 14 hội nghị “Tuyên truyền, đối thoại về pháp luật BHXH, BHYT và pháp luật lao động” cho hàng ngàn CNVCLĐ trên địa bàn tỉnh. Vậy từ việc gặp gỡ, giải đáp thắc mắc, bà nhận thấy NLĐ trên địa bàn đang quan tâm đến vấn đề gì?
- Có một thực tế là hiện đa phần NLĐ cả nước và tại Đắk Lắk nói riêng rất quan tâm đến các chế độ chính sách và các quy định của Bộ luật Lao động mới. Tuy nhiên, công tác tuyên truyền nhiều nơi hiện vẫn chưa được sâu rộng đến từng người lao động. Thông qua các buổi đổi thoại, cơ quan BHXH và LĐLĐ tỉnh Đắk Lắk mong muốn NLĐ, đoàn viên nâng cao nhận thức về pháp luật để tự bảo vệ bản thân trong quá trình lao động sản xuất.
Qua các hội nghị đối thoại với NLĐ, tôi nhận thấy đa phần NLĐ tại tỉnh Đắk Lắk thường quan tâm đến vấn đề đóng BHXH, BHYT, BHTN áp dụng cụ thể đối với từng cá nhân sẽ thực hiện như thế nào. Cùng với đó, NLĐ cũng mong muốn được giải đáp quyền lợi của lao động nam, nữ khi về hưu trước và sau ngày 1.1.2018.
Xin cảm ơn bà!