NLĐ có việc làm ổn định, đảm bảo thu nhập
Công ty TNHH May Đài Loan (Khu công nghiệp Gián Khẩu, Ninh Bình) đang duy trì việc làm ổn định cho trên 2.200 lao động với mức lương bình quân từ 4-4,5 triệu đồng/người/tháng. So với thời điểm trước khi xảy ra dịch bệnh COVID-19, các con số thống kê này không có nhiều thay đổi.
Anh Đinh Quốc Tuấn - Chủ tịch CĐCS Công ty (Cty) - cho biết: “Hiện Cty vẫn duy trì tốt hoạt động sản xuất bởi các đơn hàng đã được ký tới khoảng tháng 5, tháng 6.2020. Đồng thời, số nguyên, phụ liệu kèm theo đều đã chuyển đầy đủ tới kho của doanh nghiệp”.
Còn tại Công ty CP sản xuất ôtô Hyundai Thành Công (Khu công nghiệp Gián Khẩu), từ đầu tháng 2.2020 đến nay, hơn 100 lao động thuộc nhà máy lắp ráp xe khách, xe bus phải tạm thời nghỉ việc do một số linh kiện phục vụ sản xuất nhập từ Hàn Quốc chưa về kịp. Anh Trương Văn Tuyên - Trưởng phòng Hành chính-Nhân sự, Chủ tịch công đoàn cơ sở (CĐCS) Cty - khẳng định: Tuy có những khó khăn song điều đáng ghi nhận là lãnh đạo Cty vẫn luôn đặt quyền lợi của NLĐ lên hàng đầu. Với số lao động đang tạm thời nghỉ việc, Cty vẫn trả 70% tiền lương để NLĐ phần nào đảm bảo được cuộc sống sinh hoạt và sẵn sàng quay trở lại làm việc khi Cty bố trí, sắp xếp được. Đối với các lao động đang làm việc, Cty tiếp tục thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách, tiền lương và điều kiện lao động thuận lợi.
Theo ghi nhận của PV và CĐCS ở một số doanh nghiệp khác thuộc các Khu công nghiệp tỉnh Ninh Bình có đông công nhân như: Cty May Nien Hsing (Khu công nghiệp Khánh Phú), Cty TNHH Mcnex Vina (Khu công nghiệp Phúc Sơn) Cty TNHH giầy ADORA Việt Nam (Khu công nghiệp Tam Điệp)… việc làm của NLĐ vẫn cơ bản được đảm bảo. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng đã bắt đầu tính đến các phương án về sản xuất và giải quyết việc làm cho NLĐ nếu tình hình dịch bệnh còn kéo dài.
CĐ đồng hành cùng vượt qua khó khăn
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp sản xuất trong lĩnh vực may mặc, điện tử phụ thuộc khá lớn vào nguồn nguyên, phụ liệu của thị trường nước ngoài, nhất là thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc. Vì vậy, khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát, nhiều doanh nghiệp đang dần phải đối mặt với những lo ngại về thiếu hụt nguyên, phụ liệu để sản xuất trong thời gian tới khi nguồn nguyên liệu dự trữ đã giảm dần. Các doanh nghiệp cũng đã bắt đầu tính đến các phương án về sản xuất và giải quyết việc làm cho NLĐ nếu tình hình dịch bệnh còn kéo dài.
Anh Đinh Quốc Tuấn - Chủ tịch CĐCS Công ty TNHH May Đài Loan - chia sẻ: Trong trường hợp tình hình dịch bệnh tiếp tục kéo dài, Cty có thể gặp khó về nguyên liệu và khi đó các tình huống về việc làm cũng sẽ phải có sự điều chỉnh. Đó là điều chúng tôi không hề mong muốn. Song về phía tổ chức CĐ, chúng tôi đã lường trước và sẵn sàng đồng hành cùng doanh nghiệp và NLĐ. CĐ góp phần chia sẻ khó khăn, đảm bảo quyền lợi cho cả hai phía thông qua công tác nắm tình hình tư tưởng, tuyên truyền để NLĐ không hoang mang, dao động…
Chị Đinh Thị Tâm - Chủ tịch CĐCS Cty TNHH Giầy ADORA Việt Nam - cũng cho rằng, nguồn nguyên liệu sẽ là một trong những băn khoăn lớn của doanh nghiệp nếu tình hình dịch bệnh này còn kéo dài. Tuy nhiên, chị Tâm cũng chia sẻ tín hiệu lạc quan khi Ban Giám đốc Cty TNHH Giầy ADORA Việt Nam cũng đã và đang tính đến phương án dự phòng để nhập nguồn nguyên liệu trong nước đảm bảo chất lượng, đồng thời duy trì các nguồn linh kiện quan trọng từ Trung Quốc bằng cách thức vận chuyển hợp lý nhất. Trước mắt, Cty vẫn đang đảm bảo việc làm ổn định cho khoảng 8.000 lao động.
Trao đổi với PV Lao Động, ông Phùng Minh Chung - Chủ tịch CĐ các Khu công nghiệp tỉnh Ninh Bình - cho hay: Ngay khi có các thông tin về dịch bệnh COVID-19, CĐ các Khu công nghiệp tỉnh Ninh Bình đã tăng cường nắm bắt tình hình ở cơ sở, nhất là hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và tâm tư của NLĐ. CĐ các Khu công nghiệp tỉnh tuyên truyền để họ yên tâm lao động sản xuất, tin tưởng vào sự chỉ đạo cũng như các chính sách hỗ trợ của Nhà nước trong thời điểm này. Đồng thời, CĐ các Khu công nghiệp tỉnh tham mưu, đề xuất với CĐ cấp trên về những khó khăn, những mong muốn của các doanh nghiệp và công nhân lao động.