“Cõng” nhiều chi phí
Chị Lê Thị Hà (SN 1990, công nhân Công ty Linh kiện điện tử SEI, KCN Thăng Long) những tháng gần đây đều phải “thắt lưng buộc bụng”, cắt giảm nhiều khoản chi tiêu khi giá cả các mặt hàng đều tăng liên tục. Nhiều công nhân sinh sống ở thôn Bầu (xã Kim Chung, huyện Đông Anh) như chị Hà cũng đang chọn cách gửi con về quê ăn học, nhờ gia đình gửi thực phẩm từ quê lên phố hằng tuần để tiết kiệm được đồng nào hay đồng ấy.
Chị Hà chia sẻ: “Mức lương công nhân ít ỏi nhưng chúng tôi phải lo rất nhiều khoản chi phí như tiền thuê phòng, điện nước, sinh hoạt, tiền học và ăn bán trú của con nhỏ... chưa kể hàng chục khoản chi không tên khác”.
Giá xăng dầu tăng liên tục kéo theo các mặt hàng tiêu dùng cũng tăng giá mạnh khiến chị Trần Thị Giang (chạy GrabBike tại Hà Nội) cũng khó lòng chống đỡ. Theo chị Giang, từ mớ rau, cân thịt, hiện đã tăng từ vài nghìn đồng đến hàng chục nghìn đồng. Hiện rau muống giá 11.000-12.000 đồng; trứng gà cũng tăng thêm 1.000 - 2.000 đồng mỗi quả...
“Giá xăng tăng cao, nhiều anh em chạy xe ôm công nghệ cũng chán nản, có người đã nghỉ việc hẳn để về quê, làm ăn sinh sống. Chạy xe cả ngày được khoảng 300.000-400.000 đồng nhưng khi trừ tiền xăng dầu, chi phí sinh hoạt trong ngày thì cũng không được bao nhiêu. Giá xăng, hàng hoá tăng cao khiến nhiều người lao động như chúng tôi càng thêm chật vật, trong khi mỗi tháng phải lo đóng rất nhiều khoản phí, tiền ăn học cho con cái” - anh Xuân (SN 1980, chạy xe ôm công nghệ ở bến xe Mỹ Đình) thông tin.
Có thể giảm thuế, hỗ trợ an sinh
Tính chung từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu trong nước đã có 13 chu kỳ điều hành tăng giá, ở mức cao kỷ lục trong nhiều năm. Việc giá xăng tăng nhiều lần liên tiếp đã ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống, thu nhập của những người làm công ăn lương, công nhân nghèo, lao động tự do.
“Mớ rau, con cá, gas, xăng…, gần đây giá cả đều tăng mạnh. Trước đây vợ chồng tôi mỗi người thường đi riêng một xe máy đến công ty, nhưng giờ thì phải dùng chung xe để tiết kiệm tiền xăng. Buổi sáng, gia đình tôi cũng chủ động ăn uống ở nhà. Nói chung bây giờ cái gì cần thiết lắm mới chi tiêu, phải đong đếm từng đồng, chứ không thì phải đi vay mượn rất ngại” - chị Lê Minh Hà (sinh sống ở P.Khương Trung, Q.Thanh Xuân, Hà Nội) trải lòng.
Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Tiến Thỏa - Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam cũng cho rằng, giải pháp trước mắt và lâu dài là cả Nhà nước, các ngành, doanh nghiệp phải tổ chức thực hiện quyết liệt chiến lược sử dụng xăng dầu tiết kiệm, hợp lý, gắn với giảm suất tiêu hao xăng dầu trên một đơn vị sản phẩm, nâng cao hiệu suất sử dụng xăng dầu thông qua các biện pháp cụ thể.
Việc điều hành, bình ổn giá xăng dầu và hỗ trợ cho các đối tượng yếu thế trong xã hội là chủ trương của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, quyết định tại Nghị quyết 499 về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 9 của UBTVQH khóa XV. Đây cũng là cách làm năm 2008, khi giá xăng dầu tăng cao, Chính phủ đã quyết định sử dụng ngân sách Nhà nước để hỗ trợ tiền dầu cho các ngư dân khai thác hải sản trên biển. Hoặc hiện nay, Chính phủ cũng đang hỗ trợ tiền điện sinh hoạt hằng tháng cho hộ nghèo, hộ gia đình chính sách…
Trước đó, trả lời chất vấn tại Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cũng cho biết, trong trường hợp đặc biệt mà giá đầu vào tăng cao, hoặc giá nguyên liệu thế giới tăng cao, trong đó có giá xăng dầu, cần sử dụng những công cụ, chính sách an sinh để giúp đỡ cho người dân nói chung, đặc biệt là những đối tượng yếu thế giảm bớt khó khăn. “Chúng ta không hỗ trợ giá mà hỗ trợ an sinh. Thông qua việc hỗ trợ an sinh để giảm bớt khó khăn cho người dân nói chung và cho những ngư dân đang vươn khơi bám biển” - Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên thông tin.